Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

21/05/2022 - 09:13

Sau một thời gian dài bị tác động bởi đại dịch COVID-19, ngành du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có bước tạo đà bứt phá mạnh mẽ. Những tín hiệu lạc quan thời gian qua cho thấy chủ trương và các giải pháp kích cầu, tăng tốc hoạt động du lịch của các cấp, ngành là đúng đắn và cần tiếp tục được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.

Ảnh minh họa.

Đảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vấn đề này được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII dành nhiều tâm sức và thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định, thu hút sự quan tâm, kỳ vọng của nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng chí Vũ Đình Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) bày tỏ: Hội nghị đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương). Trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Kỳ Phú là xã vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, sản xuất phụ thuộc điều kiện tự nhiên, cho nên đời sống mọi mặt của người dân rất khó khăn. Thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân trong xã đã phát huy tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, phát huy có hiệu quả tiềm năng nông-lâm nghiệp, chuyển mạnh sản xuất, kinh doanh nông sản theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu; khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư.

Đến nay, xã nông thôn mới Kỳ Phú có 17 trang trại gia đình đạt giá trị sản lượng bình quân 200 triệu đồng/trang trại/năm. Chăn nuôi phát triển nhanh, với hơn 3.340 con trâu, bò; 2.200 con dê và hươu; 2.500 con lợn, gần 1.500 đàn ong mật và hàng chục nghìn gia cầm, ước đạt 23 tỷ đồng/năm. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở đây đạt hơn 50 triệu đồng/năm (tăng 38,2 triệu đồng so năm 2010); số hộ nghèo giảm còn 2,41%. Đời sống của người dân được nâng cao, an ninh trật tự xã hội được bảo đảm.

Theo đồng chí Bùi Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành, huyện Vụ Bản (Nam Định), những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hội nghị Trung ương 5 là những đánh giá xác đáng, toàn diện. Nông nghiệp đang tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta thời gian qua đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới của đất nước. Rõ nhất là khi dịch Covid-19 ảnh hưởng việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng.

Nông nghiệp, nông thôn vẫn là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua còn bộc lộ không ít hạn chế như: Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá…

Từ thực tế ở địa phương, chị Cao Thị Thúy Vân ở xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho rằng, để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng ta cần nắm chắc tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5.

Đó là, phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng chung quan điểm này, anh Nguyễn Văn Lụa ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) nhận định, giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện chiến lược “tam nông” đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, là cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân; không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để mỗi tổ chức đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.

Cùng với đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo từ suy nghĩ, tư duy và trong hành động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên khu vực nông thôn, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan đời sống nông dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.

Phấn khởi khi Hội nghị Trung ương 5 bàn về những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, anh Phạm Khắc Dũng, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) khẳng định, Nghị quyết mới thể hiện được quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề này. Theo anh Dũng, để hiện thực hóa một cách có hiệu quả Nghị quyết mới, cần phải có những giải pháp đột phá, đồng bộ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt phải có đột phá về hoàn chỉnh Luật Đất đai, bởi thể chế về đất đai có ý nghĩa quyết định, nhất là đối với phát triển nông nghiệp hàng hóa khi cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thay đổi ấy không thể chỉ có ngành nông nghiệp tích cực, năng động mà rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các đối tác trong nước và nước ngoài. Các cấp hội nông dân cần chủ động, sáng tạo, liên tục và thường xuyên cập nhật kiến thức, gần gũi hội viên để giúp người nông dân chuyển đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Người nông dân cần được trang bị nhiều kiến thức khoa học; được động viên, định hướng, được đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để phát huy vai trò chủ thể.

Bác Huỳnh Nhựt Trung (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) mong muốn Nhà nước xem xét, tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, vùng  đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách cho các vùng đặc thù nhằm xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện Luật Đất đai...

Theo HOÀNG LÂM (VTC News)