Nông nghiệp Tân Châu chuyển từ lượng sang chất

02/03/2021 - 04:09

“Ngày xưa, ai trồng lúa đạt sản lượng cao luôn được khen ngợi, mặc dù phải tốn rất nhiều chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu. Nay chúng tôi xét thấy, việc đó không còn đúng bởi chi phí càng cao thì lợi nhuận càng thấp, chất lượng nông sản không đảm bảo an toàn, đầu ra gặp nhiều khó khăn…” - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, An Giang) Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Mô hình ruộng lúa, bờ hoa đã góp phần giảm chi phí thuốc trừ sâu cho nông dân

Chuyện trồng lúa của nông dân ở HTX nông nghiệp Tân Phú A1 đã phản ánh một cách sinh động về tư duy sản xuất của nông dân TX. Tân Châu hiện nay. Nếu trước đây nông dân luôn “chạy” theo năng xuất, sản lượng, ít quan tâm về chất lượng, giá thành, hiệu quả trong mỗi mùa vụ... thì nay, bà con đã chú ý đến hiệu quả sau mỗi vụ mùa. Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nhận thức, sản xuất ra sản phẩm để bán, vì vậy sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

“Khi dịch bệnh  COVID-19 chưa xảy ra, lúa, rau, trái cây của bà con vùng này được bán mạnh sang Campuchia, Trung Quốc và các nước trên thế giới bởi chất lượng đã được nâng lên, thị trường đã chấp nhận. Nông dân vùng này, ngoài trồng lúa chất lượng cao, còn trồng rau dưa, xoài, bưởi, mít... bán được rất nhiều, từ đó đời sống nông dân được cải thiện đáng kể” - bà Trần Thị Lan (thành viên HTX Tân Phú A1) chia sẻ.

Để chất lượng nông sản làm ra đồng đều, chất lượng được nâng lên, tiêu thụ dễ dàng, hơn 10 năm qua, thị xã đã vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới. Tính đến thời điểm hiện nay, thị xã có 15 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012 (đạt tỷ lệ 100%). Phần lớn các HTX này làm ăn có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

“Chúng tôi tâm niệm rằng, muốn sản phẩm nông nghiệp làm ra tiêu thụ được dễ dàng thì không có con đường nào khác là phải đi vào con đường làm ăn hợp tác, nông dân cùng hướng về mục tiêu nâng cao chất lượng, hạ thấp chi phí, giá thành để nông sản làm ra có tính cạnh tranh cao…” - ông Nguyễn Văn Tâm (thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1) khẳng định.

TX. Tân Châu được công nhận là đô thị loại III từ những ngày đầu năm 2020. Tuy là thị xã nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng lúa, màu trong năm 2020 là 33.496.97ha (đạt 99,9% kế hoạch), trong đó lúa trên 30.000ha (năng suất bình quân ước đạt 6,131 tấn/ha); màu trên 3.000ha.

Thời gian qua, để sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, đúng định hướng, ngoài vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, thị xã còn áp dụng mạnh mẽ những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để giải phóng sức lao động. Nhà nước đã tạo điều kiện cho nông dân vay vốn lãi suất thấp để trang bị nông cụ sản xuất, như: máy cắt gặt đập liên hợp, máy sạ lúa, sạ phân, máy cày, máy xới... Tính đến nay, toàn thị xã có 222 máy cày, máy xới đất; 118 máy gặt đập liên hợp, 23 máy sấy lúa... Các công cụ này đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nâng cao chất lượng.

Ngoài các vùng chuyên canh lúa, thị xã còn quy hoạch các vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái, thủy sản. Cụ thể như vùng bờ bao Vĩnh Xương - Phú Lộc, thị xã quy hoạch vùng trồng cây ăn trái với quy mô 650ha, các vùng cồn, bãi quy hoạch nuôi thủy sản. “UBND tỉnh đã chấp thuận hỗ trợ cho thị xã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, với diện tích là 650ha ở vùng bao Vĩnh Xương - Phú Lộc, hiện nay thị xã đang triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ chia sẻ.

Nông nghiệp Tân Châu chuyển từ lượng sang chất đã nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện thành công chính sách “tam nông” mà Đảng và nhà nước đã đề ra.

MINH HIỂN

“Mục tiêu chung của sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã là phát triển theo hướng hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã quy hoạch theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập và mức sống của người dân ở khu vực nông thôn” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan chia sẻ.