Nông nghiệp tăng tốc

05/10/2018 - 08:03

 - Nếu như 9 tháng của năm 2017, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (KV1) chỉ tăng 0,7% thì 9 tháng của năm 2018, KV1 tăng trưởng 2,1%, khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (tăng trưởng KV1 từ 2-2,25%). Nỗ lực tăng tốc của ngành nông nghiệp (NN) đã đóng góp tích cực vào chỉ tiêu tăng trưởng chung của tỉnh.

Khắc phục khó khăn do thời tiết

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, 9 tháng của năm 2018, giá trị sản xuất (GO) KV1 (theo giá so sánh 2010) đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 3,62% (tương đương hơn 1.118 tỷ đồng) so cùng kỳ năm 2017. Về giá trị gia tăng (VA) KV1 đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 2,1% (hơn 292 tỷ đồng) so cùng kỳ. So kịch bản tăng trưởng 9 tháng đầu năm là 1,77%, tăng trưởng thực tế cao hơn 0,33%. Ngoại trừ ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, VA chỉ đạt 19 tỷ đồng (kế hoạch 90 tỷ đồng), ngành trồng trọt tăng 123 tỷ đồng (đạt 58% kế hoạch) thì ngành thủy sản có bước tăng trưởng vượt bậc khi VA đạt 230 tỷ đồng (đạt 300% so kế hoạch 75 tỷ đồng).

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã giảm 10.665ha diện tích cây hàng năm so cùng kỳ 2017 để chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản, giảm diện tích màu trồng xen trong cây lâu năm (do cây đã khép tán lá); thực hiện lơi vụ (không sản xuất) để điều chỉnh lịch thời vụ chung và xây dựng công trình phúc lợi. Ông Lâm cho biết, mặc dù gặp bất lợi về thời tiết (mưa giông, lũ về sớm và dâng cao) nhưng nhờ quản lý tốt sâu bệnh gây hại (giảm 65.000ha so cùng kỳ, mức độ gây hại chủ yếu từ nhẹ đến trung bình, không có diện tích bị thiệt hại do sâu bệnh), khuyến khích nông dân ứng dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ nên năng suất vụ đông xuân và hè thu 2018 đều tăng, sản lượng 9 tháng đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 76.500 tấn so cùng kỳ.

Mở rộng vùng nguyên liệu cá tra

Đối với cây lâu năm, diện tích tăng thêm 1.142ha (hiện có hơn 16.200ha, tăng chủ yếu ở nhóm cây ăn quả), năng suất cũng tăng. Tổng sản lượng thu hoạch trong 9 tháng đạt gần 156.300 tấn, tăng 10,8% so cùng kỳ. Trong đó, tăng nhiều nhất là xoài với sản lượng 94.500 tấn, tăng 11,4% (trong đó các giống xoài chất lượng như: Đài Loan, cát Hòa Lộc... ước đạt khoảng 76.500 tấn, chiếm 81% sản lượng xoài); chuối 22.700 tấn, tăng 2.400 tấn (chuối cấy mô chiếm 33,48%); mãng cầu 313 tấn (tăng 92 tấn); nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) 2.300 tấn (tăng 684 tấn).

Vực dậy “kho báu” cá tra

Có thể nói, thủy sản là bức tranh sáng nhất của ngành NN trong 9 tháng của năm 2018. Thị trường xuất khẩu mở rộng, nhu cầu nguyên liệu chế biến của các doanh nghiệp (DN) gia tăng nên đã kéo giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức cao. Nhờ lợi nhuận hấp dẫn nên người nuôi đã mạnh dạn mở rộng vùng nuôi. Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích thủy sản thu hoạch 9 tháng các năm 2018 đạt 1.270ha, tăng 12,53% so cùng kỳ, sản lượng đạt 329.633 tấn (tăng 19,33%), trong đó cá đạt 328.111 tấn, tăng 19,37% (riêng cá tra, basa đạt 267.861 tấn, tăng đến 21,92%); tôm đạt 91 tấn, tăng 21,3%; thủy sản khác đạt 1.431 tấn, tăng 11,04%.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được ghi nhận tăng cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Theo đó, cá có trọng lượng từ 0,7-1,2kg/con được DN thu mua với giá 35.000-36.000 đồng/kg, kích cỡ từ 1,5-2kg/con được DN đến tận ao thu mua, trả tiền mặt với giá từ 32.000-33.000 đồng/kg, tăng từ 1.500-2.000 đồng/kg so với tháng 9. Với mức giá này, người nuôi cá tra có lãi từ 6.000-9.000 đồng/kg. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ khi nghề nuôi cá tra khởi phát ở An Giang. Ông Lê Chí Bình, Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang cho biết, cá tra tăng giá cao do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt. Trong khi đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhập khẩu dẫn đến cung không đủ cầu. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các DN không còn nhiều nên buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá.

Theo các DN, ngoài lý do nguồn cung thiếu, một nguyên nhân khác tạo nên cơn sốt về giá cá tra như hiện nay là do chất lượng sản phẩm cá tra ở nước ta được nâng cao, cá được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU nên có sự cải thiện về giá bán. Hiện nay, giá cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang có mức cao nhất trong các thị trường, đạt khoảng 5 USD/kg (trước đó chỉ trên 3 USD/kg). Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu cá tra có thể vượt ngưỡng 2 tỷ USD trong năm 2018.

Giá nguyên liệu tăng cao đang kích thích người nuôi đẩy mạnh sản xuất, kéo theo nhu cầu cá tra giống tăng cao. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để An Giang phối hợp các tỉnh có thế mạnh triển khai hiệu quả “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Cùng với đó là quy hoạch các vùng nguyên liệu cá tra đạt chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, vực dậy ngành sản xuất thế mạnh của An Giang.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN