Nông thôn mới ở huyện miền núi Tri Tôn

13/05/2021 - 06:20

 - Do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) có chậm hơn những địa phương khác. Dù vậy, mỗi công trình NTM đang thật sự mang lại ý nghĩa, sự thay đổi trong cuộc sống người dân.

Tuyến đường bê-tông xuyên qua những vườn cây ăn trái của nông dân Khmer ở xã Núi Tô

Đường sá thuận lợi

Có được 1.000m2 đất vườn cặp chân núi Cô Tô nhưng trước đây, huê lợi mang về cho gia đình ông Chau Si (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân do tuyến đường từ chân núi lên vườn là đường mòn, xe máy đi lại chưa thuận lợi nên việc vận chuyển vật tư, nông sản còn khó khăn.

Khi UBND huyện Tri Tôn triển khai xây dựng tuyến đường nối từ hồ Soài So qua hồ Soài Chek dài 1.864m, được ban ấp và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vận động, ông Chau Si cùng hơn 130 hộ Khmer ở ấp Tô Thuận tự nguyện hiến diện tích đất có đường đi qua, hỗ trợ thêm chi phí múc đất nhằm tạo thuận lợi nhất cho đơn vị thi công.

Tuyến đường bê-tông với mặt đường rộng 3m vừa hoàn thành cuối năm 2020 (chưa kể lề đường mỗi bên 1m), tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản. Với thiết kế chắc chắn, cho phép tải trọng 3,5 tấn, không chỉ xe máy mà xe ôtô, xe tải còn lưu thông được từ khu du lịch DL Soài So qua khu DL Soài Chek.

Với cách làm này, tuyến đường bê-tông nối từ hồ Soài Chek (xã Núi Tô) qua ranh xã An Tức (đường vào khu DL đồi Tức Dụp) dài 1.235m, mặt đường rộng 3,5m đã hoàn thành, tạo nhiều thuận lợi cho bà con Khmer lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Đối với khách DL, việc tham quan, khám phá đồi Tà Pạ, hồ Soài Chek, Soài So, đồi Tức Dụp cũng được rút ngắn, thuận tiện hơn.

Đến nay, có 4 xã trên địa bàn huyện Tri Tôn được công nhận đạt chuẩn xã NTM là: Vĩnh Gia (công nhận năm 2016), Tà Đảnh (công nhận năm 2017), Lương Phi và Lương An Trà (công nhận năm 2019). Năm 2020, các xã này đều giữ vững bộ tiêu chí, chỉ tiêu NTM và đang hướng đến đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đối với người dân ở các địa phương này, NTM không chỉ là danh hiệu đáng tự hào, mà còn mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực.

Điển hình như tại xã Lương Phi, nhờ xây dựng NTM, giờ có thêm những tuyến đường quan trọng được đầu tư, như: đường bê-tông nối Tỉnh lộ 955B giáp đầu kênh Bến Bò, nối Tỉnh lộ 955B giáp đầu kênh Bến Xã, đường Bến Dầu (đoạn 2)… Còn tại xã Lương An Trà, đang nâng cấp láng nhựa đường chữ U đến H7 (đoạn 1). Tại xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nhất tỉnh là xã Ô Lâm, đang được đầu tư tuyến đường bê-tông Pray Ta Pun; xã An Tức là đường kênh H7; xã Lê Trì là đường từ tổ 13 đến sân bóng…

Thay đổi tư duy sản xuất

Từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở nhiều xã của huyện Tri Tôn đã có nhiều thay đổi. Tại các gia đình, tư duy sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có nhiều đổi mới, giúp nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng diện tích, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp huyện, cấp tỉnh đã được hỗ trợ triển khai thực hiện. Qua đó, tạo ra mô hình minh chứng ngay tại địa phương để thuyết phục nông dân học tập, áp dụng theo.

Tại xã Cô Tô, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn và địa phương đã hỗ trợ mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp huyện. Trong khi đó, tại xã Châu Lăng là mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tự động điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh trên vườn mít.

Việc ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng được triển khai rộng khắp địa bàn huyện, gồm: tưới tiết kiệm nước cho cây cam tại xã Tân Tuyến; tưới cho cây xoài tại xã: Lê Trì, Tân Tuyến, Lương Phi; cây chúc tại xã Núi Tô; cây mít tại xã Lạc Quới; cây na Thái tại xã Lương An Trà. Ở các xã: An Tức, Ô Lâm, Vĩnh Gia đang tiếp tục triển khai mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học. Còn tại xã Núi Tô, là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới.

Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh cũng được hỗ trợ triển khai trên địa bàn huyện Tri Tôn. Tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện, được hỗ trợ thực hiện mô hình tưới tự động bằng năng lượng mặt trời trồng cây ăn trái. Trong khi đó, mô hình vườn chanh ứng dụng công nghệ cao (hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp pin mặt trời) phát huy hiệu quả.

Phía dưới hồ Soài Chek, mô hình ứng dụng nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất dưa lưới mở ra triển vọng phát triển mới. Còn tại xã Lạc Quới, mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tại gốc cho cây nhãn cho kết quả khả quan. Trong khi đó, mô hình liên kết chăn nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP phục vụ DL giúp người dân tăng thêm thu nhập…

Cùng với xây dựng xã NTM, huyện Tri Tôn còn triển khai thực hiện tiêu chí ấp đạt chuẩn NTM đối với địa bàn khó khăn, biên giới. Đến nay, 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh Thuận của xã biên giới Lạc Quới đạt 19/19 tiêu chí, các ấp còn lại đang phấn đấu, như: ấp Ninh Thạnh (xã An Tức), ấp An Thạnh (xã Lê Trì), ấp Phước Lợi (xã Ô Lâm) và ấp Tô Thuận (xã Núi Tô).


NGÔ CHUẨN