Nuôi cá chạch lấu ở xã Khánh Hòa

25/11/2020 - 07:00

Thời gian qua, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi trong chăn nuôi, trồng trọt bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Gần đây, một số nông dân tại địa phương thử nghiệm nuôi cá chạch lấu, mô hình này đang được nông dân kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Tín (ngụ ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa) nuôi thử nghiệm 4 bể cá chạch lấu, mỗi bể có diện tích khoảng 45m2, thả từ 15.000 - 20.000 con/bể. Giai đoạn mới bắt tay vào nghề, anh Tín đã tìm hiểu kỹ thuật nuôi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cá đạt hiệu quả từ những người đi trước để áp dụng tại gia đình.

Anh Tín cho biết: “Khi nắm được đặc tính và kỹ thuật nuôi, tôi thấy quá trình chăm sóc cá chạch lấu cũng không khó, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, tốt nhất là cho ăn vào buổi sáng và chiều khi thời tiết mát mẻ. Mặc dù cá chạch lấu ít bị bệnh nhưng khi gặp môi trường ô nhiễm thì cá vẫn mắc một số bệnh như: đường ruột, nấm, đốm đỏ lở loét… nên phải theo dõi sát tình trạng phát triển của cá và phải thay nước bể nuôi thường xuyên để giữ môi trường nước luôn sạch”.

Anh Nguyễn Văn Tín theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe cá tại các bể nuôi

Cá chạch lấu là loại dễ thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, vì vậy có thể nuôi trong ao đất, bể xi-măng hoặc sử dụng bể lót bạt. Tuy nhiên, diện tích bể nuôi cần đảm bảo mật độ cá không quá dày, nếu thả quá nhiều cá cùng một bể khiến chúng cạnh tranh thức ăn và không gian sống, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cá. Hơn nữa, cá chạch là loài có đặc tính sống ở tầng đáy, ít di chuyển nên khi nuôi trong bể với mật độ cao phải dùng máy sục ô-xy để tăng lượng ô-xy trong nước, hạn chế cá bị hao hụt.

Bên cạnh yếu tố môi trường sống, để nuôi cá chạch lấu đạt năng suất thì con giống giữ vai trò quan trọng, khâu chọn giống sẽ tác động đến năng suất thu hoạch của hộ nuôi, con giống to khỏe, đạt chất lượng, không dị hình, dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ đồng đều, không mang mầm bệnh sẽ phát triển nhanh và thuận lợi hơn trong quá trình nuôi.

Không nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt như anh Nguyễn Văn Tín, anh Nguyễn Trung Lành (ngụ ấp Khánh Bình, xã Khánh Hòa) đầu tư nuôi 8 mùng cá chạch lấu trong hầm. Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi nên anh Lành không gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc loại cá này. Anh Lành cho biết: “Cá chạch lấu giống mua về trong tháng đầu tiên được cho ăn bằng trứng nước, từ tháng thứ 2 trở đi tôi bắt đầu cho cá ăn thức ăn viên. Qua 8 tháng nuôi, cá chạch lấu đã đạt trọng lượng đạt khoảng 300gr/con, có con đạt đến 500gr, tôi dự định nuôi gần Tết Nguyên đán sẽ xuất bán”.

Theo anh Lành, cá chạch lấu là loài ăn tạp, háu ăn nhưng ăn không nhiều, nên để cá phát triển tốt cần cho cá ăn đúng, đủ định lượng theo kích cỡ kết hợp bổ sung đủ dinh dưỡng, Vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, phòng một số bệnh thường gặp. Cá chạch lấu nuôi lâu sẽ đạt trọng lượng lớn, giá bán cao hơn, do đó nếu có điều kiện các hộ nuôi thường nuôi cá trong thời gian dài để có trọng lượng nâng cao giá trị. Hiện, cá chạch lấu thương phẩm có giá khoảng 250.000 - 300.000đồng/kg, khi nông dân xuất bán, trừ chi phí lợi nhuận thu về tương đối khả quan.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa Lê Văn Dũng cho biết: “Cũng như các mô hình nuôi thủy sản khác, nuôi cá chạch lấu đòi hỏi nông dân phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, theo dõi sát tình hình cá nuôi, tuy nhiên nếu nuôi loại cá này đạt năng suất thì nông dân thu được lợi nhuận cao. Để hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu nuôi cá chạch lấu, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện liên kết tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, đồng thời sẽ tranh thủ những chương trình hỗ trợ của Hội Nông dân để tạo điều kiện cho nông dân địa phương nhân rộng mô hình”.

MỸ LINH