Nuôi giữ học sinh ngoài giờ chính khóa

20/10/2023 - 06:45

 - Hoạt động tổ chức trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa rất tiện lợi cho nhiều phụ huynh bận rộn, đi làm, vì không thể đưa rước con đúng giờ hoặc không có người thân trông giữ. Đây là nhu cầu rất lớn của nhiều phụ huynh và ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) phối hợp để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thực trạng nuôi, giữ học sinh ngoài trường học

Cùng với cả nước, An Giang đang tích cực triển khai và áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Việc đổi mới kỳ vọng sẽ mang lại “làn gió mới”, thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Từ việc tăng thời lượng và số môn học, đòi hỏi các trường tiểu học phải bố trí học sinh học 2 buổi/ngày (từ thứ 2 đến thứ 6).

Điều này đòi hỏi phụ huynh phải thích ứng, bố trí thời gian phù hợp để đưa đón con học đúng giờ. Với những gia đình ở nông thôn, cha mẹ chủ yếu làm việc theo nhiều khung giờ, linh hoạt trong thời gian hay trong gia đình có nhiều thành viên thì phụ huynh có thể nhờ người thân phụ giúp; còn với gia đình ở đô thị, nếu con không được học bán trú thì việc đưa đón là bài toán nan giải.

Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ khóm Tây Khánh 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Tôi trông giữ 2 cháu nội từ nhỏ để cha mẹ đi làm ăn xa. Năm nay, cháu trai lớn vào lớp 1. Tôi chọn trường bán trú để thuận tiện cho gia đình, vì bản thân tôi còn đi làm, vợ thì đi đứng yếu nên gặp khó khăn khi đưa đón cháu đi học 2 buổi/ngày. Nộp hồ sơ vào trường bán trú không được nhận, tôi cho cháu học theo hộ khẩu tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái. Tôi mong giáo viên đảm nhận giữ và đưa đón cháu đến trường học, nhưng do ít phụ huynh có nhu cầu gửi con vì điều kiện kinh tế hạn hẹp, giáo viên không thể tổ chức được nhóm học”.

Nhiều phụ huynh là cán bộ, viên chức nhà nước, nhân viên làm việc ở ngân hàng, doanh nghiệp, lao động theo ca (4 - 8 tiếng/ngày), trực ngày, trực đêm, người lao động bình dân bận rộn việc mua bán, vận chuyển hàng hóa… Do vậy, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vừa đảm bảo công việc vừa lo đưa đón con, lo bữa ăn trưa rồi lại đưa đến trường cho kịp buổi học chiều.

Chị P.T.L (nhân viên ngành y tế) cho biết: “Con tôi đang học lớp 3, tại Trường Tiểu học Hàm Nghi (TP. Long Xuyên). Mấy năm nay, vợ chồng tôi phải vất vả bố trí thời gian mỗi ngày để đưa rước. Tôi đi làm giờ hành chính, nên vào buổi sáng và đầu giờ chiều có thể đưa con đến trường, còn kết thúc giờ học lúc 10 giờ sáng và 4 giờ chiều sẽ do chồng tôi rước. Nhưng chồng là tài xế taxi, có hôm đón được, có hôm bận chở khách thì tôi phải nhờ bạn bè thân quen đón giúp”.

Hoàn cảnh đơn chiếc như chị Nguyễn Thị Thùy Tr. (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) một mình vừa đi làm ở ngân hàng, vừa đưa đón con đi học ở nhiều khung giờ khác nhau, rất khó khăn nên phải gửi nhà cô. “Con tôi đang học lớp 4, chủ yếu đi học vào buổi chiều, thứ 4 hàng tuần là học 2 buổi. Tôi là mẹ đơn thân, xa gia đình nên không ai phụ giúp. Tôi chọn cách gửi nhà cô để buổi sáng đi làm, con còn nhỏ không phải chịu cảnh ở nhà một mình. Đến giờ trưa, tôi không thể về sớm để lo bữa trưa và đưa con đi học lúc 12 giờ 30 phút.

Nhờ gửi nhà cô giáo chủ nhiệm, tôi chỉ việc đưa con đến nhà cô vào buổi sáng, cô hướng dẫn con tìm hiểu, chuẩn bị nội dung bài học, sinh hoạt thư giãn, ăn cơm và nghỉ trưa, sau đó cô đưa đến trường học. Tôi sẽ đón con vào cuối buổi chiều. Con được học, được ăn nghỉ đúng giờ giấc, có thời gian chơi với bạn, tương tác với giáo viên… Do đó, tôi cũng yên tâm công tác hơn” - chị Tr. chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) Võ Thanh Tùng cho biết: “Trước đây, trường có tổ chức bán trú, phần nào giảm bớt vất vả cho phụ huynh. Nhưng trường đang xây dựng lại, phải mượn tạm phòng học của Trường Tiểu học Châu Văn Liêm nên không thể tổ chức bán trú. Với đặc thù là địa bàn phường trung tâm, đa số phụ huynh là cán bộ, viên chức, người làm ăn mua bán nên không đảm bảo thời gian đưa đón con...

Dựa trên nhu cầu của phụ huynh và điều kiện tổ chức của giáo viên, năm nay, trường có 26 giáo viên tổ chức giữ trẻ ngoài trường học. Ngay từ đầu năm, giáo viên sẽ nắm bắt nhu cầu của phụ huynh, sau đó làm hồ sơ gửi về trường và gửi đến UBND phường nơi tổ chức lớp học. Cán bộ địa phương sẽ đến nhà giáo viên thẩm định các điều kiện đảm bảo tổ chức lớp, như: Vệ sinh, đủ diện tích, có chỗ ăn, chỗ học, có phòng nghỉ trưa riêng biệt cho học sinh nam và nữ, đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải lưu mẫu thực phẩm sau mỗi bữa ăn. Vai trò là ban giám hiệu, trong các buổi họp, chúng tôi luôn nhắc nhở giáo viên phải cẩn trọng, đảm bảo an toàn, sức khỏe, giờ giấc sinh hoạt, học tập cho các em”.

Một giáo viên giữ học sinh nhiều năm tâm sự: “Việc chăm sóc học sinh tại nhà và đưa đón các em không đơn giản. Chúng tôi tận dụng nhà ở rộng rãi, người thân hỗ trợ việc nấu ăn (có nơi thuê người nấu) và lựa chọn phương tiện, tài xế cẩn thận để đưa đón các em. Chúng tôi hiểu phụ huynh mỗi người mỗi cảnh, nếu dành thời gian đưa đón con sẽ không thể đi làm hoặc không làm tốt công việc, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập, kinh tế. Nên khi phụ huynh tin tưởng gửi gắm thì giáo viên phải đảm bảo an toàn cho trẻ”.

Nhu cầu bức thiết

Ở nông thôn, nhu cầu của phụ huynh về việc giữ trẻ bán trú và ngoài giờ học chính khóa rất đa dạng. Có người thấy cần thiết để đảm bảo cho công việc mà không ảnh hưởng đến việc giữ con, nhất là đưa rước nhiều lượt trong ngày. Cũng có người e ngại mô hình bán trú hoặc gửi con cho người khác giữ.

Chị Lê Trương Thúy Vi (thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có 2 con nhỏ (2 và 5 tuổi) đều gửi bán trú. Do tính chất công việc, vợ chồng chị đều đi làm nên gửi con vào trường bán trú rất tiện và an tâm. Ngoài thời gian gửi bán trú hoặc lúc bận rộn, chị gửi nhờ ông bà giữ giúp. Đó là thuận lợi của phụ huynh ở nông thôn. Vì sự thuận lợi này, một số địa phương chưa mở trường bán trú với học sinh mầm non, tiểu học.

Nhưng nhìn chung, nhu cầu gửi con bán trú (hoặc có nơi gửi buổi trưa) của phụ huynh là rất lớn, kể cả ở vùng nông thôn và không riêng học sinh tiểu học. Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (có con đang học lớp 6 ở huyện Chợ Mới) cho biết: “Chỉ cần lo cho con ăn sáng, rồi đưa tới trường là yên tâm làm việc. Nếu không có mô hình bán trú, vào buổi trưa, phụ huynh gần nhà phải tranh thủ về nấu cơm, loay hoay lại đến giờ làm. Đó là chưa kể những hôm có lịch đi công tác đột xuất thì không biết gửi con cho ai. Còn trường hợp nhà xa không về được, người lớn và trẻ nhỏ đều phải ăn cơm tiệm… Như vậy, việc ăn uống cũng không yên tâm bằng cho con vào trường, có giáo viên lo ăn uống, ngủ nghỉ” - chị Tiên lý giải.

So sánh địa bàn TP. Long Xuyên có nhiều trường bán trú, trong khi các địa phương có ít trường tổ chức mô hình này. Nhiều phụ huynh rất mong muốn thời gian tới, các trường học sẽ tổ chức bán trú để phụ huynh, nhất là những người làm giờ hành chính thuận tiện hơn, không phải chạy tới lui đưa rước con, ảnh hưởng đến công việc.

“Phụ huynh phải dậy sớm hơn để chuẩn bị mọi thứ, trẻ cũng phải dậy sớm hơn chuẩn bị rồi ăn uống. Các cháu tất bật để kịp đến trường cho phụ huynh kịp giờ làm... Đến chiều, chúng tôi phải tranh thủ rước con trước 16 giờ 45 phút vì nhà trường chỉ giữ đến giờ đó, trong khi cán bộ, viên chức nhà nước đến 17 giờ mới tan làm; có hôm công việc nhiều phải để con chờ ở trường rất tội nghiệp. Ngoài giờ bán trú, phụ huynh cũng muốn gửi con thêm để làm các việc riêng khác nhưng còn lưỡng lự vì một phần phải tốn thêm tiền, trong khi kinh tế đang khó khăn” - một phụ huynh trải lòng.

Đối với công nhân lao động, nhu cầu gửi con bán trú ngày càng bức thiết, vì giờ giấc làm việc của công nhân rất chặt chẽ. Chị Hồ Đình Thúy An (Công ty TNHH May mặc Công nghệ Spectre An Giang Việt Nam) chia sẻ: “Trường Mầm non Công đoàn được mở bên cạnh Khu công nghiệp Bình Hòa đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người lao động có con nhỏ như tôi có nơi để gửi con và yên tâm làm việc, điều kiện vật chất của trường được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của con em. Nhưng do đặc thù công việc của tôi phải làm ngày thứ 7, trong khi nhà trường chưa tổ chức thường xuyên lớp học thứ 7 nên nhiều lúc công nhân khó sắp xếp. Mong muốn trường tổ chức giữ luôn ngày thứ 7 như những ngày học bình thường”.

“Biết rằng gửi con ngoài giờ phải tốn thêm tiền, nhưng do công việc và không người trông giữ nên mình không thể làm khác. Nhất là gửi nhà cô giáo thì con được ôn bài, trong khi ở nhà mình không biết phương pháp dạy học; con được ăn uống, ngủ nghỉ, đảm bảo việc học nên mình rất yên tâm” - chị Thúy (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Phải đảm bảo an toàn

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh, toàn tỉnh có 22/310 trường tiểu học tổ chức dạy học bán trú, chiếm tỷ lệ 7,09% với 7.441 học sinh. Tuy nhiên, số trường bán trú chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, hiện chỉ đáp ứng 42%, nhất là tại trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Ngay đầu năm học, sở tiếp tục có văn bản nhắc nhở việc tổ chức nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ chính khóa, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức nuôi giữ, chăm sóc học sinh. Đồng thời, chỉ đạo thủ trưởng các cơ sở giáo dục tiểu học tăng cường quản lý, tổ chức có chất lượng dạy và học chính khóa. Nghiêm cấm việc ép học sinh tiểu học tham gia học thêm. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày (trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). 

Hiện, đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hầu hết các trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, rất đông phụ huynh có nhu cầu nuôi giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa (khung giờ từ 10 giờ 30 phút đến 14 giờ), sau đó đưa học sinh vào trường tiếp tục học buổi chiều. Việc tổ chức nuôi, giữ học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa được tổ chức dưới hình thức cung ứng các dịch vụ có thu phí trên tinh thần tự thỏa thuận giữa phụ huynh với người nuôi giữ, gồm: Đưa rước học sinh, giữ ngoài giờ học, tổ chức ăn, nghỉ, giải trí...

“Sở GD&ĐT An Giang thường xuyên lưu ý các cơ sở nuôi, giữ học sinh phải đảm bảo môi trường không ô nhiễm, ồn ào; không gây ảnh hưởng đến khu dân cư. Phòng nuôi, giữ học sinh có đủ điều kiện vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn; đảm bảo diện tích ăn ở, vui chơi cho học sinh, đủ bàn ghế ăn, giường nằm; có đủ ánh sáng, nước sạch sinh hoạt, 2 nhà vệ sinh nam nữ riêng biệt; an toàn hệ thống điện, phòng cháy, chữa cháy, phương án thoát hiểm khi có sự cố bất thường. Phương tiện đưa rước học sinh phải đảm bảo an toàn và định kỳ được kiểm định theo quy định” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quốc Khanh cho biết.

HỮU HUYNH - MỸ HẠNH - TRÚC PHA