Phá ngô, lạc trồng cây dại- cà gai leo mà lại thu lời lớn

27/02/2020 - 14:23

Sau 2 năm trồng cây cà gai leo, nhiều hộ dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) bỗng nhận thấy giá trị kinh tế của dây dại này cao gấp 3 lần so với trồng ngô, khoai, lạc... Từ cây dại trước kia mọc đầy đường nay trở thành cây trồng mới, cây cà gai leo mang lại cho nông dân khoản tiền lời 15 triệu đồng/sào/năm.

Thu từ gốc đến ngọn

Dẫn phóng viên Báo NTNN đi tham quan mô hình trồng cây cà gai leo của các hộ nông dân trên địa bàn, chị Trịnh Thị Trâm-Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hà Tiến (huyện Hà Trung) cho biết: "Xã Hà Tiến hiện nay có thôn Bái Sậy và Bái Sơn đang thử nghiệm trồng cây cà gai leo. Cây cà gai leo cành, lá đầy gai giống như cây dại nhưng lại cho thu nhập khá hời...

Ông Phạm Đính giới thiệu về ruộng cà gai leo của gia đình mình.  Ảnh: Vũ Thượng

Theo Đông y Việt Nam, tác dụng chính của cà gai leo là hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (men gan cao, gan nhiễm mỡ, viêm gan, u gan). Uống trà hoặc cao cà gai leo mỗi ngày, sẽ giúp thải độc cơ thể, ngăn ngừa mụn nhọt, dị ứng, trứng cá, cảm cúm, ho gà, giã rượu, bia và chống say tàu xe. Chú ý không dùng cho phụ nữ có thai.

Gia đình ông Phạm Đính là hộ trồng cây cà gai leo nhiều nhất xã. Ông Đính cho biết: "Cây cà gai leo là cây trồng ưa sáng, dạng thân bụi, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng... Hiện tại, nhà tôi trồng 5 sào cây cà gai leo, nếu cắt cành, lá phơi khô bán cho thương lái được giá 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn chuyển sang nấu cao dạng đặc với giá bán 200.000 đồng/100gam. Cứ 2kg cà gai leo khô tôi đổ nước nấu nhiều tiếng đồng hồ sẽ thu về 100gam cao đặc".

Về kỹ thuật trồng cà gai leo, ông Phạm Đính cho biết thêm: "Ở miền Bắc nên trồng cây cà gai leo vào mùa xuân là lúc tiết trời ấm mát, có mưa xuân giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Lượng hạt giống cà gai leo gieo trồng từ 1,8-2kg/ha. Khi chọn quả cà gai leo làm giống gieo trồng, mọi người cần chọn những cây mẹ sinh trưởng khỏe mạnh, quả to già đã chín mọng. Phơi khô quả cà gai leo đến khi vỏ nhăn lại và chuyển sang màu đen, sau đó tách lấy hạt, ngâm với nước ấm khoảng 4 tiếng, vớt ra và ủ vào cát từ 3-4 ngày để hạt cà gai leo nứt".

Khi cây giống cà gai leo đã cao khoảng 10-15cm thì tiến hành đánh cây con ra vùng trồng. Đối với đất trồng cây cà gai leo phải dọn sạch, bằng phẳng càng tốt, nên làm dàn che nắng cho cây, gần nguồn nước...

Đồng thời, quá trình chăm sóc cây cà gai leo không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học (thảo mộc, vi sinh), làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nylon phủ luống, để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.

Lưu ý, trong khi chăm sóc cây cà gai leo chỉ sử dụng phân chuồng hoặc phân vi sinh không sử dụng phân hóa học đặc biệt là phân đạm ure. Làm điều này để cho ra sản phẩm thân cây cà gai leo thành phẩm theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục cũng giúp cây cà gai leo sống bền, sức đề kháng cao...

Đem thu nhập cao đến người trồng

Có mặt trên cánh đồng trồng cây cà gai leo, bà Phạm Thị Loan (trú tại thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến) thổ lộ: "Gia đình tôi trồng gần 2 sào cây cà gai leo, qua nhiều năm trồng thấy giá trị kinh tế cao gấp 3 lần so với làm cây màu khác. Bình quân, cứ 1 sào trồng cà gai leo trừ mọi chi phí chăm sóc, đầu tư thì cũng thu về 13.000.000-15.000.000 đồng/năm, giá bán cho công ty tùy từng thời điểm từ 30.000-50.000 đồng"/kg.

"Khó khăn của người trồng cây cà gai leo là thân cành cà gai leo đầy đặc gai răm sắc nhọn, cản trở các thao tác kỹ thuật (làm cỏ, bón phân, thu hoạch, sơ chế), làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới quá trình canh tác cà gai leo theo hướng hữu cơ... Nhưng bù lại giá trị kinh tế cao, tới đây tôi tính chuyển nốt số diện tích đang trồng ngô, lạc sang trồng cây cà gai leo để tiện chăm sóc"- bà Loan bộc bạch.

Để nhận biết cây cà gai leo qua các đặc điểm sau, đây là cây thuộc loại cây nhỡ leo có phần thân dài từ 60-100cm hoặc cao hơn tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc. Thân cây có nhiều gai, cành xòe rộng, lá hình trứng hoặc thuôn dài, dưới gốc lá có hình rìu hay hơi tròn giống với loại cây cà pháo hay dùng làm thức ăn

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Duy Tân-Chủ tịch UBND xã Hà Tiến cho biết: "Đối với cây cà gai leo, xã Hà Tiến mới đưa vào trồng thí điểm năm 2018, trên tổng diện tích 2ha, với 25 hộ tham gia trồng. Qua nhiều vụ thu hoạch thì chúng tôi nhận thấy, đây là cây cho giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng truyền thống như: Ngô, khoai các loại. Tới đây, xã đang lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích trồng cây cà gai leo ở những khu vực đất canh tác kém hiệu quả và liên kết với nhiều thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân".

Theo VŨ THƯỢNG (Dân Việt)