Phân công trách nhiệm triển khai 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

17/05/2024 - 06:16

 - Việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” nhằm đảm bảo đề án được triển khai chặt chẽ, đúng định hướng. Qua đó, khắc phục điểm yếu, phát huy vị thế tương xứng của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành lúa gạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trên bản đồ an ninh lương thực thế giới.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3, năng suất trung bình 5,9 tấn/ha. Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với 8 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 4,5 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị. Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 đạt giá trị cao nhất, bình quân 680 - 690 USD/tấn, phản ánh chất lượng gạo ngày càng tăng.

Khu vực ĐBSCL, chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu và 50% sản lượng gạo của cả nước. Lợi thế của vùng đất này giúp Việt Nam có thể tăng sản lượng và chất lượng gạo, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc thâm canh và sử dụng nhiều vật tư đầu vào (phân bón, giống, nước tưới) làm cho ngành trồng lúa ít lợi nhuận hơn, tạo ra lượng khí thải nhà kính lớn. Trồng lúa gạo đóng góp 48% lượng phát thải khí nhà kính, 75% lượng khí thải metan (CH4) của ngành nông nghiệp; cường độ phát thải từ ngành gạo của Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc.

Hướng đến nâng cao giá trị ngành lúa gạo Việt Nam

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được xem là giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải và nâng cao lợi thế, vị thế lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các cam kết của Chính phủ trong COP26 (2012) và COP27 (2021), gồm: Giảm phát thải khí nhà kính 9% nhờ nguồn lực trong nước và 27% nhờ hỗ trợ quốc tế vào năm 2030; giảm 30% lượng khí thải CH4. Chương trình quốc gia “1 triệu héc-ta lúa carbon thấp, chất lượng cao ở ĐBSCL” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2023, công bố tại COP28 ở Dubai. Chương trình này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và Quy hoạch vùng ĐBSCL (giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Cùng với triển khai đề án này, Ban Chỉ đạo thực hiện cũng được thành lập. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giữ vai trò Trưởng ban, có trách nhiệm chỉ đạo chung toàn diện nội dung, nhiệm vụ của đề án; Phó Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp việc triển khai thực hiện đề án.

Các thành viên là đại diện lãnh đạo UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre), căn cứ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện đề án và nhiệm vụ được phân công để xây dựng hoặc giao đơn vị có chức năng xây dựng, phê duyệt, trình phê duyệt kế hoạch triển khai đề án của tỉnh; kiện toàn bộ máy của dự án VnSAT để sớm triển khai thực hiện đề án; xây dựng hoặc giao đơn vị có chức năng xây dựng kế hoạch hàng năm và theo từng giai đoạn cụ thể, làm căn cứ triển khai đề án tại địa phương...

Thành viên là đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, giữ vai trò giúp việc cho Trưởng ban Chỉ đạo. Trong đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác định vốn đầu tư ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư phát triển theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối với thành viên là đại diện Bộ Tài chính, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương, tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương để thực hiện chế độ, chính sách được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật liên quan.

Thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm phát thải khí nhà kính đối với vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trong đề án; xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế ưu tiên chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh này.

Trong khi đó, thành viên là đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận các chương trình tín dụng liên quan. Đối với thành viên là đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nghiên cứu nội dung, nhiệm vụ của đề án để đề xuất nguồn vốn phù hợp hỗ trợ triển khai thực hiện.

HOÀNG XUÂN