Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Neuchatel, Thụy Sĩ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cụ thể, các nhà nghiên cứu xác định chính hệ thống miễn dịch bẩm sinh của con người có thể là một phần nguyên nhân. Thông qua việc kiểm tra hơn 500 trường hợp nhiễm coronavirus, các nhà nghiên cứu của VIB, phối hợp cùng với Bệnh viện Đại học Ghent, Đại học Ghent và Đại học Tự do Brussels, đã phát hiện ra rằng nguyên nhân dẫn đến tổn thương phổi là do chất miễn dịch cytokine interleukin-6 gây viêm và ảnh hưởng đến hệ thống bổ thể của người bệnh.
Thông thường, hệ thống bổ thể này là một phần của khả năng miễn dịch bẩm sinh, có tác dụng loại bỏ mầm bệnh và các tế bào chết khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Thế nhưng, ở những người mắc COVID-19 thể nặng, hệ thống miễn dịch không hoàn toàn hoạt động theo nguyên lý như vậy và gây tổn thương cho tế bào phổi.
Hệ thống bổ thể là một tập hợp các protein chống viêm nhiễm, chủ yếu do gan tiết ra. Theo giải thích của nhà nghiên cứu về phổi và miễn dịch học Bart Lambrecht, ở những người mắc COVID-19 nặng, phổi cũng lại sản xuất các protein này và việc các protein hoạt động quá mức đã làm tổn thương phế nang phổi, gây khó khăn cho hấp thụ oxy.
Theo các nhà nghiên cứu, các loại thuốc ức chế interleukin-6 đang phát huy hiệu quả trong điều trị COVID-19. Đây là loại thuốc vốn được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện trên sẽ giúp tìm phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bart Lambrecht lưu ý vẫn cần phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn để xác định xem liệu việc ngăn chặn hệ thống bổ thể có mang lại lợi ích hay không.
Theo TTXVN