Tư duy tiến bộ
Nhiều năm nay, người dân xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không còn xa lạ với cái tên Hai Thụ (Phan Văn Thụ). Cách đây 20 năm, nông dân chỉ quen sản xuất lúa bằng giống đại trà, Hai Thụ có suy nghĩ khác. Ông cho rằng, giống là một trong 4 yếu tố quan trọng quyết định năng suất của cả vụ lúa, bên cạnh nước, phân và sự chuyên cần của nông dân. Tuy nhiên, để có được nguồn giống chất lượng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đầu tư lâu dài, nghiêm túc.
“Trong phong trào hợp tác hóa, xã hội hóa nguồn lúa giống mà An Giang là địa phương đi đầu cả nước thời điểm ấy, tôi mạnh dạn thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa giống. Theo thời gian, mô hình sản xuất lúa giống phát triển, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp Hai Thụ, với mục tiêu sản xuất, cung cấp giống lúa chất lượng cho nông dân An Giang và khắp mọi miền đất nước” - ông chia sẻ.
Thời điểm phát triển mạnh, lúa giống Hai Thụ phân phối đến vùng Tây Nguyên, sang cả Vương quốc Campuchia. Nhờ làm ăn khấm khá, ông tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương, thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày. Vào vụ sản xuất rộ, mỗi lao động có thể nhận được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) lúa giống, ông Hai Thụ thu về hơn 26 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những doanh nhân nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ xây dựng, phát triển lực lượng doanh nhân nông thôn những năm tới
Hiện nay, ông đang định chuyển sang sản xuất lúa hướng đến chuẩn hữu cơ hoặc theo chuẩn SRP. Ông cho rằng, muốn giúp nông dân tăng lợi nhuận thì phải hình thành vùng chuyên canh lúa theo chuẩn an toàn, hướng đến sản xuất bền vững. Nếu áp dụng thành công phương pháp này, nông dân có thể tăng lợi nhuận, nhờ giảm chi phí sản xuất đến 2/3 so với việc canh tác theo phương pháp truyền thống như hiện nay.
“Tôi áp dụng sản xuất lúa theo hướng an toàn, ứng dụng nghiêm quy trình “1 phải, 5 giảm” 7 năm qua, thu được kết quả khả quan. Khó khăn hiện nay là thiếu nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thu hút nhiều nông dân cùng tham gia với tôi. Tôi muốn hình thành vùng sản xuất lúa an toàn, diện tích khoảng 300ha tại địa phương. Để thực hiện được, cần sự vào cuộc, đồng lòng của nhà đầu tư, chuyên gia và nông dân. Khi sản phẩm nông dân làm ra được bao tiêu với mức giá hợp lý, họ sẽ yên tâm sản xuất theo chuẩn lúa an toàn. Cái nông dân thiếu không phải là kỹ thuật sản xuất, mà là đầu ra ổn định cho hạt lúa. Bản thân tôi may mắn được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nên sẽ cố gắng hết sức đồng hành cùng bà con” - ông Hai Thụ phân tích.
Phát huy vai trò
Năm 2023, có 85.323 nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi 3 cấp, đạt 95% số phiếu đăng ký. Đặc biệt, tỉnh còn có 1.086 nông dân là doanh nhân nông thôn. Về thu nhập, cá nhân có mức thu nhập thấp nhất 150 triệu đồng/năm, cao nhất trên 52 tỷ đồng/năm. Đây là kết quả tích cực, cho thấy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tại An Giang đã có bước tiến cả về chất và lượng trong những năm qua.
“Trong hàng chục ngàn nông dân SXKD giỏi của tỉnh, nổi lên những cá nhân xuất sắc với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Có thể kể đến ông Nguyễn Đức Nhuận (khóm Long Hưng 2, phường Mỹ Thới), doanh thu 52 tỷ đồng; ông Khưu Đức Hùng (khóm Long Hưng 1, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) doanh thu 46,2 tỷ đồng; ông Phan Văn Thụ… Họ đều dám nghĩ, dám làm và thành công với hoạt động SXKD của mình, trở thành những doanh nhân nông thôn, là tấm gương về ý chí vươn lên cho toàn thể nông dân An Giang” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.
Hiện nay, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mô hình SXKD giỏi điển hình, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế.
Đặc biệt, cần khích lệ, động viên doanh nhân nông thôn phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai của họ để đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, hội nông dân các cấp trong tỉnh cần thường xuyên phối hợp, tham gia hỗ trợ lực lượng doanh nhân nông thôn hiện thực hóa ý tưởng mới, có tác dụng thúc đẩy sản xuất tại địa phương, tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn. Trên cơ sở đó, xây dựng lực lượng doanh nhân nông thôn làm nòng cốt trong tham gia phong trào hội nông dân các cấp.
“Hội nông dân cơ sở cần tập trung xây dựng, nhân mô hình câu lạc bộ nông dân giỏi, câu lạc bộ doanh nhân nông thôn. Phát huy nguồn lực sẵn có của lực lượng này để phát triển mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất hàng hóa.
Cùng với đó, cần hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ hộ khá, hộ giàu ở nông thôn, để An Giang ngày càng có nhiều doanh nhân nông thôn” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên xác định.
THANH TIẾN