Phát huy vai trò hợp tác xã tham gia đề án 1 triệu héc-ta lúa

24/06/2024 - 06:19

Trong triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua HTX, đảm bảo nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN) để xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình hành động 17-CTr/TU, ngày 16/12/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, thời gian qua, các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp địa phương hỗ trợ thành lập nhiều HTX kiểu mới.

Chi cục Phát triển nông thôn An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 220 HTX nông nghiệp, với 13.225 thành viên tham gia, trong đó có 45 HTX ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, 28 HTX ứng dụng chuyển đổi số, 6 HTX có sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và 14 HTX có sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, còn có 2 liên hiệp HTX (gồm 18 HTX thành viên) và 1.193 THT đang hoạt động, với 16.667 thành viên.

Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 50 HTX  thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với DN. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh có 49 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với 30 DN trong và ngoài tỉnh, diện tích liên kết đạt 97.601ha.

Kết thúc vụ đông xuân 2023 - 2024, có 26 DN tham gia liên kết với 26 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX và nông dân, với diện tích 32.198ha; vụ hè thu 2024 có 21 DN tham gia liên kết với 30 HTX, 2 liên hiệp HTX và nông dân, với diện tích 19.216ha. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 51.414ha.

Tích cực tham gia đề án

Là địa phương trọng điểm về sản xuất lúa, An Giang đang tích cực triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với những giá trị về kinh tế - xã hội và môi trường, đề án thu hút sự tham gia tích cực của các HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 98 HTX đăng ký tham gia đề án.

Để đảm bảo số lượng HTX thực hiện liên kết với DN đạt 100% diện tích theo mục tiêu đề án, Sở NN&PTNT An Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đôn đốc UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ phát triển mới các HTX nông nghiệp theo kế hoạch giai đoạn 2024 - 2025; phối hợp Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ địa phương trong tư vấn, phát triển mới HTX theo Kế hoạch 192/KH-UBND, ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh.

Triển khai kế hoạch phối hợp năm 2024 giữa Sở NN&PTNT với UBMTTQVN tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, các bên đang tập trung hỗ trợ nâng chất các HTX hiện có và đẩy nhanh tiến độ thành lập mới HTX. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2030, có 340 HTX nông nghiệp. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu 100% vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa HTX với DN, toàn tỉnh cần có 200 HTX, tổ chức nông dân, liên hiệp HTX hoạt động có hiệu quả tham gia đề án. trong đó, tỉnh sẽ duy trì, nâng chất 98 HTX đã đăng ký và thành lập mới thêm 102 HTX để đảm bảo yêu cầu đề ra.

 

Xây dựng hệ sinh thái lúa gạo

Theo Chi cục Phát triển nông thôn An Giang, để triển khai hiệu quả đề án 1 triệu héc-ta lúa, cần tập trung xây dựng hệ sinh thái với sự tham gia đầy đủ của DN, tổ chức tín dụng, nhà khoa học, nhà quản lý, HTX và nông dân. Từ đó, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ngành triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ trong chuỗi liên kết đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, DN, HTX, THT trong đầu tư hệ thống sơ chế, chế biến nông sản; phối hợp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực, kết nối mời gọi DN tham gia đầu tư, liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Các địa phương cần xác định rõ chủ thể chính để xây dựng và phát triển liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ là DN, mà HTX, THT là đầu mối.

DN đóng vai trò quan trọng, là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Vì vậy, chính quyền cơ sở cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hoạt động liên kết, tiêu thụ nông sản tại từng địa bàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thống kê, theo dõi kế hoạch sản xuất (diện tích xuống giống, thời điểm dự kiến thu hoạch, cơ cấu giống... từng tiểu vùng) và cập nhật nhu cầu liên kết đến các ngành liên quan để chủ động kết nối với DN triển khai hoạt động liên kết và tiêu thụ.

NGÔ CHUẨN