Theo Cục Trồng trọt, trước năm 2015, chanh leo chủ yếu được trồng ở các tỉnh Lâm Ðồng, Ðắk Nông, đến nay đã mở rộng ra khắp vùng Tây Nguyên và một số tỉnh phía bắc như: Sơn La, Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... Hiện nay, có 36 địa phương đang sản xuất cây chanh leo với hơn 10.000 ha, sản lượng đạt 222 nghìn tấn/năm, năng suất bình quân đạt 20,32 tấn/ha. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh leo lớn nhất cả nước với diện tích hơn 7.300 ha, năng suất bình quân đạt 26,1 tấn/ha, riêng tỉnh Lâm Ðồng bình quân đạt hơn 40 tấn/ha, cá biệt có các mô hình đạt hơn 70 tấn/ha. Ðiều đáng nói là cây chanh leo hiện là một trong những loại cây ăn quả có diện tích sản xuất lớn ở nước ta.
Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất, nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: LÊ NAM
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, cây chanh leo được nhập khẩu và trồng trên địa bàn từ năm 2012. Qua đánh giá, đây là loại cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu cho nên sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 ha chanh leo, trong đó khoảng 2.400 ha cho thu hoạch với sản lượng đạt hơn 84 nghìn tấn/năm. Từ năm 2019 đến nay, do đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, thu mua, tiêu thụ, chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu nên thu nhập từ chanh leo ngày càng tăng cao. Theo thống kê, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh leo thu được lãi khoảng 280 triệu đồng/ha/năm. Tại tỉnh Sơn La, năm 2015, cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Mộc Châu với diện tích 5 ha. Khi thấy hiệu quả, diện tích trồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng với diện tích hơn 2.200 ha; dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh có gần 3.000 ha trồng chanh leo, sản lượng hơn 23 nghìn tấn. Qua đánh giá, thu nhập bình quân từ trồng chanh leo ở Sơn La ước đạt từ 90 đến 120 triệu đồng/ha. Ðối với một số mô hình trồng thâm canh cho sản lượng khoảng 20 đến 25 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt từ 180 đến 300 triệu đồng/ha. Trên địa bàn tỉnh Ðắk Lắk, hiện nay đang trồng hơn 1.000 ha chanh leo, sản lượng hơn 12.600 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk cho biết, so với một số loại cây công nghiệp và cây ăn quả khác thì cây chanh leo là loại cây thu hoạch nhanh, 1 ha sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 70 đến 150 triệu đồng.
Hiện nay, sản phẩm chanh leo đã và đang là mặt hàng sản xuất chính của nhiều công ty. Ðặc biệt, một số doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản, nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ tiên tiến, năng lực chế biến hàng trăm nghìn tấn chanh leo quả tươi/năm. Sản phẩm chế biến chủ yếu là nước ép cô đặc, đông lạnh, sấy dẻo nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ở 50 nước như: Mỹ, EU, khu vực Trung Ðông… Theo Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao, hằng năm kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 80 đến 90 triệu USD, trong đó các mặt hàng chanh leo chiếm xấp xỉ 30%. Các thị trường chính nhập khẩu chanh leo của công ty là I-xra-en, Mỹ, EU và Trung Quốc. Ðể xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững đáp ứng được nhu cầu chế biến phục vụ xuất khẩu, những năm qua công ty đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị với hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác tại các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Lắk, Sơn La… Theo đó, công ty có chính sách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân; đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng đã ký.
Để phát triển bền vững cây chanh leo, theo Cục Trồng trọt, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh phát triển theo hướng hàng hóa gắn với sơ chế, chế biến; đẩy mạnh sản xuất gắn với chuỗi giá trị để ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng chanh leo, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân; mở rộng sản xuất chanh leo theo hướng an toàn, chứng nhận sản phẩm (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...) phù hợp nhu cầu thị trường. Ðồng thời, phát triển chanh leo gắn với phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thông tin, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường mới cho xuất khẩu chanh leo trong đó có sản phẩm quả tươi, nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Mặt khác cần đẩy mạnh việc nhập nội, khảo nghiệm, lai tạo nhằm đa dạng hóa bộ giống bảo đảm năng suất, chất lượng, mẫu mã phù hợp theo hướng sử dụng cho ăn tươi, chế biến...
Theo Cục Trồng trọt, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo từ 12.000 đến 15.000 ha, sản lượng quả tươi đạt 300 đến 400 nghìn tấn/năm. Trên cơ sở đó, sẽ đẩy mạnh việc sản xuất chanh leo theo hướng tập trung nhằm mang lại hiệu quả cao, bền vững; gắn với phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo NGUYÊN PHÚC (Báo Nhân Dân)