Phát triển cây đậu phộng miền núi

20/11/2018 - 06:59

 - Những năm qua, mô hình trồng cây đậu phộng đã được ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên quan tâm, bởi tính thích nghi cao với điều kiện thổ nhưỡng. Hiện nay, mục tiêu của Tịnh Biên là chuẩn hóa nguồn giống và đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Đứng trước mảnh đất hơn 10.000m2 đang xuống giống đậu phộng, ông Chau Khương (người dân xã An Cư, Tịnh Biên) tỏ ra phấn khởi, bởi trồng đậu phộng hơn 20 năm nay nhưng không thể biết giống đậu phộng mình trồng là gì, có đạt chất lượng hay không. Bây giờ, ông được địa phương hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật nên rất yên tâm, nhất là nguồn giống chất lượng do ngành chuyên môn cung cấp.

“Trước đây mạnh ai nấy trồng, đâu biết nguồn gốc giống cũng như năng suất trồi sụt không đoán được. Bây giờ nhà nước cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để làm nên tui mừng lắm. Nếu đầu ra ổn định, nông dân còn vui hơn nữa” - ông Chau Khương thật tình.

Cây đậu phộng tại Tịnh Biên có nhiều tiềm năng phát triển

Những nông dân như ông Chau Khương đang nằm trong mô hình chuẩn hóa giống và phát triển nguồn đậu phộng chất lượng để cung cấp ra thị trường do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên thực hiện.

Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tịnh Biên Lê Văn Thành thông tin: “Mô hình chuẩn hóa và phát triển giống đậu phộng được triển khai tại ấp Chơn Cô, xã An Cư có diện tích 9ha, với 16 hộ tham gia. Thực tế, người dân huyện Tịnh Biên trồng đậu phộng đã nhiều năm nhưng không xác định được nguồn giống, dẫn đến chất lượng không cao. Do đó, việc chuẩn hóa giống là cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển vùng trồng đậu phộng trọng điểm của tỉnh tại Tịnh Biên”.

Theo đó, nông dân khi tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ giống đậu phộng LĐĐ14, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mục tiêu của mô hình là sản xuất đậu phộng giống với mức giá 20.000 - 25.000 đồng/kg khi đưa ra thị trường, thay vì nông dân bán đậu thương phẩm chỉ hơn 10.000 đồng/kg.

Bởi đặc tính thích nghi cao với chất đất pha cát nên cây đậu phộng trở thành mô hình kinh tế hiệu quả đối với những vùng thiếu nước tưới, vùng đất triền dốc chưa được đầu tư công trình thủy lợi. Để nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với mô hình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên đã cử cán bộ theo dõi sát sao mô hình và mở lớp hướng dẫn kỹ thuật canh tác đậu phộng.

Máy sạ đậu phộng giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực khi xuống giống

Ngoài việc hỗ trợ nông dân phát triển cây đậu phộng, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên còn kết nối các đối tác để tìm đầu ra sản phẩm. Qua khảo sát, một số đối tác đánh giá cao tiềm năng phát triển cây đậu phộng tại Tịnh Biên.

Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết: “Với điều kiện của huyện Tịnh Biên, chúng tôi nhận thấy nơi đây có thể phát triển thành vùng trọng điểm đậu phộng tại tỉnh An Giang bởi nông dân có thể sản xuất quanh năm. Trước mắt, chúng tôi mong muốn liên kết với địa phương hỗ trợ nông dân về điều kiện máy móc tưới tiêu, máy sạ đậu phộng, máy ép dầu nhằm hướng tới việc chuyên canh hóa mô hình. Thực tế, cây đậu phộng có những lợi thế riêng và nhu cầu thị trường rất cao”.

Hiện nay, mô hình chỉ thực hiện 9ha tại xã An Cư và khi thành công sẽ mở rộng diện tích khoảng 300ha tại các xã: Vĩnh Trung, Văn Giáo. “Với năng suất từ 1 - 1,2 tấn/1.000m2, cây đậu phộng đã trở thành mô hình tối ưu nhất đối với nông dân có đất canh tác tại những vùng khô hạn. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là tìm những đối tác có uy tín, mong muốn làm ăn lâu dài với nông dân và có đủ điều kiện hỗ trợ về máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ canh tác cho người trồng đậu phộng. Từ đó, tạo điều kiện để cây đậu phộng phát triển bền vững, mang đến thu nhập khá cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở vùng Bảy Núi” - ông Lê Văn Thành xác định.

THANH TIẾN