Phát triển dịch vụ từ vườn cây ăn trái

14/06/2023 - 07:14

 - Nhận thấy nhu cầu, thị hiếu về các loại hình tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn trái ngày càng tăng cao, ông Phạm Trọng Hiếu (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã cải tạo cảnh quan vườn cây ăn trái theo hướng đa dạng sản phẩm để phục vụ phát triển du lịch (DL).

Những năm gần đây, loại hình DL nông nghiệp, DL sinh thái trên địa bàn tỉnh phát triển rất khả quan, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, doanh nghiệp (DN) và đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương. Tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), mô hình của ông Phạm Trọng Hiếu tuy mới triển khai từ đầu năm 2023 nhưng mang lại những tín hiệu khả quan.

Phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp là hướng đi mới đối với nông dân xã Khánh Hòa

Trước đây, gia đình ông Phạm Trọng Hiếu canh tác các loại cây ăn trái, chủ yếu là táo hồng và một số loại cây như chanh, ổi… trên diện tích 3,8ha. Thời gian đó, ông Hiếu chỉ bán nông sản và cây giống cho thương lái và người dân nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt, sản phẩm từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều khâu trung gian, nên bị đội giá.

Nhận thấy những năm gần đây, người dân đặc biệt yêu thích việc tham quan, trải nghiệm vườn cây ăn trái, trong khi loại hình DL mới này chưa phát triển ở địa phương. Từ thực tế đó, ông Hiếu “nuôi” ý định phát triển loại hình DL sinh thái trên cơ sở vườn cây ăn trái của gia đình.

Ông Hiếu thông tin thêm: “Trong một dịp tình cờ, tôi ghé điểm dừng chân ở TP. Cần Thơ, nơi đây người dân có trồng dâu tằm để làm bóng mát cũng như để khách thưởng thức trái dâu. Thấy nhiều người thích thú khi được tận tay hái trái chín cây và thưởng thức tại chỗ nên khi về nhà, tôi nảy ra ý định trồng thêm loại cây ăn trái này để đáp ứng nhu cầu”.

Là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc nên chỉ trong thời gian ngắn, diện tích dâu tằm của ông Hiếu cho thu hoạch. Nhờ những kinh nghiệm lâu năm giúp vườn cây ăn trái của ông Hiếu phát triển tốt, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội. Cùng với việc cung cấp nông sản, ông Hiếu còn “mở cửa” vườn cây ăn trái cho du khách tham quan.

Đến với khu vườn sinh thái “Cà-phê, vườn dâu tằm Đà Lạt Út Dính” của gia đình ông Hiếu, du khách được tham quan, trải nghiệm và thưởng thức vị ngon, ngọt của các loại trái cây “4 mùa”, được trồng tại vườn, như: Ổi, dâu tằm, mít, bưởi, nhãn...

Du khách đến đây được miễn phí vé vào cổng nên thoải mái tham quan vườn cây. Khi họ có nhu cầu thưởng thức trái cây trong vườn sẽ tự hái và được tính theo giá thị trường. Du khách còn được thưởng thức các sản phẩm nước uống làm từ trái dâu tằm, như: Trà dâu tươi, sữa dâu, mứt dâu, rượu dâu… Ngoài ra, ông Hiếu còn cải tạo cảnh quan khu vườn, đồng thời trồng thêm một số loại hoa để khách chụp ảnh lưu niệm.

Đặc biệt, ông Hiếu còn bố trí khu vực để du khách câu cá giải trí. Ông Hiếu cho biết, du khách có thể yêu cầu chế biến thành các món ăn dựa trên số lượng câu được. Phương pháp chế biến khá đơn giản, thường là nướng hoặc chiên và được tính theo giá thị trường. Đối với những “cần thủ” chỉ có nhu cầu câu cá giải trí (câu rồi thả lại), ông Hiếu thu phí 50.000 đồng/người.

Ngoài ra, ông Hiếu còn phục vụ thêm một số món ăn quen thuộc khác, như: Cháo gà, cháo vịt và tổ chức các sự kiện, buổi họp mặt nhỏ… khi khách yêu cầu. Ông Hiếu chia sẻ: “Hiện nay, loại hình câu cá giải trí đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và có tiềm năng phát triển ở địa phương. Do đó, tôi mua cá về thả trong ao, hầm để phục vụ nhu cầu người dân. Tôi dự định sẽ xây dựng thêm các lều/trại nhỏ để tạo sự tiện lợi cho du khách khi đến đây tham quan, trải nghiệm” - ông Hiếu chia sẻ.

Là mô hình trồng cây ăn trái kết hợp dịch vụ DL đầu tiên của xã Khánh Hòa, ông Hiếu tin tưởng mô hình sẽ thành công trong tương lai. Để loại hình DL mới này phát triển, ông Hiếu hy vọng chính quyền địa phương, ngành chức năng có những chính sách hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Có như vậy, mô hình này sẽ trở thành sản phẩm DL mới hấp dẫn du khách và tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Thành công bước đầu từ loại hình DL nông nghiệp của ông Phạm Trọng Hiếu đã mở ra một hướng đi mới, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường. Đây được xem là mô hình nhiều triển vọng và phù hợp định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn...

ĐỨC TOÀN