Phát triển du lịch sinh thái từ vườn cây ăn trái

07/06/2022 - 00:56

 - Là giáo viên về hưu, ông Trần Hồng Sơn và vợ Đào Thị Ánh Tuyết (thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có cùng suy nghĩ sẽ phát triển kinh tế từ vườn cây ăn trái được trồng theo hướng đa canh. Từ khi cải tạo đất ruộng lên vườn cây ăn trái, vợ chồng ông Sơn có ý tưởng làm vườn sinh thái, cho du khách tự mình thu hái trái cây sạch cũng như trải nghiệm các dịch vụ vui chơi, giải trí với những trò chơi dân gian miền quê sông nước.

Đất nhà sẵn có, tâm huyết với trái cây sạch, đây là động lực để vợ chồng ông Sơn lên ý tưởng làm kinh tế từ vườn cây ăn trái. Bà Tuyết cho biết, canh tác vườn cây ăn trái theo hướng sạch, an toàn đầu tiên là phục vụ nhu cầu gia đình, sau đó cung ứng cho người dân trong, ngoài địa phương có nhu cầu sử dụng trái cây sạch.

Tuy nhiên, thời gian đầu cũng lắm gian nan, vì trái cây sạch, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học thì chất lượng luôn đảm bảo, nhưng hình thức bên ngoài khó sánh kịp với những loại trái cây bán đại trà ngoài chợ. Người tiêu dùng dễ bị thu hút bởi những loại trái cây có vẻ bề ngoài sáng bóng, đẹp và giá rẻ, đây là cái khó chung của những nông dân canh tác nông nghiệp sạch.

Nhiều loại cây ăn trái sạch sẵn sàng phục vụ khách đến tham quan, trải nghiệm

Từ lúc lập vườn, ngoài các loại cây trồng chủ lực, như: Bơ 034, sầu riêng Monthong, cà na, vợ chồng bà Tuyết còn trồng xen canh rất nhiều loại cây trồng, như: Mít thái, cóc thái, si-rô, dâu tằm… nhằm lấy ngắn nuôi dài, cũng như mùa nào cũng có trái cây cung cấp cho khách hàng quen thuộc.

“Trái cây của vườn bán cho thương lái bị ép giá nhiều vì họ mua ít quan tâm đến chất lượng, chỉ cần có hình thức đẹp, giá rẻ là được. Bởi vậy, tôi với chồng bàn bạc và quyết định cải tạo vườn cho tươm tất để phát triển vườn sinh thái, cho du khách đến trải nghiệm, người lớn, trẻ em đều có khu vui chơi riêng, được hòa mình vào thiên nhiên, làm một người nông dân thực thụ khi có thể chèo xuồng, tự mình hái các loại trái cây có sẵn trong vườn…” - bà Tuyết cho hay.

Trước khi mở dịch vụ vườn sinh thái Hồng Sơn vào tháng 8/2020, bà Tuyết cùng ông Sơn dành thời gian đi tham quan nhiều nơi, để lên ý tưởng phù hợp nhất. Ngoài mục đích làm kinh tế, vợ chồng bà Tuyết còn tạo điều kiện cho bà con hộ nghèo vào vườn để mở 5 quầy thức ăn, đồ uống phục vụ du khách và không thu tiền mặt bằng. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh phải cam kết bán sản phẩm giá bình dân, có niêm yết rõ ràng.

Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian được xây dựng trong vườn đều được nghiên cứu, tạo không gian lành mạnh cho giới trẻ, các em nhỏ hoàn cảnh khó khăn được giảm một nửa giá tiền. Chính vì vậy, phù hợp cho nhiều đối tượng là các em học sinh, gia đình, hội, nhóm cần không gian để họp mặt, vui chơi, giải trí.

Qua một con đường nhỏ vào đến cổng vườn là không gian xanh mướt có hoa và dây leo lợp mái, kế bên là vườn trái cây rộng 16.000m2 với nhiều loại cây ăn trái trĩu quả, đong đưa trong gió như mời gọi thưởng thức. Toàn bộ cây ăn trái không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, đảm bảo sạch cho khách có thể tự mình hái và ăn tại chỗ an toàn. Đến đây, du khách như được tách biệt với những ồn ào của phố thị, tận hưởng giây phút hòa mình vào thiên nhiên. Trước khi mở cửa đón khách, gia đình đã lo đủ các thủ tục về giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, khám sức khỏe cho những người tham gia kinh doanh, phục vụ.

Trong thời gian hoạt động, vườn sinh thái đón nhận nhiều du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng mở cửa, mô hình phát triển kinh tế vườn gắn với vườn sinh thái gặp phải khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt 2 năm. Theo bà Tuyết, thời gian dịch bệnh ảnh hưởng, các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người tại vườn xem như bị “đóng băng”.

Không nản lòng, vợ chồng bà Tuyết dành khoảng thời gian này để tập trung vun trồng cho vườn cây ăn trái. Không phụ lòng người, các loại cây ăn trái trong vườn đều đơm hoa kết trái. Ngay cả loại cây khó trồng như giống bơ 034 bắt đầu cho trái nhiều, chất lượng trái to, dẻo và béo. Còn 150 gốc sầu riêng đã đủ sức để bắt đầu cho thu hoạch năm nay. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, khách bắt đầu quay trở lại vườn nhiều hơn, nhất là vào dịp cuối tuần. Nhiều nhất là các em học sinh, khách gia đình, muốn trải nghiệm một không gian xanh thoải mái ngay ở phố thị. Hiện giờ, các loại cây ăn trái trong vườn đều đã cho trái, một phần để thu hoạch bán cho người tiêu dùng, một phần chừa lại để du khách đến trải nghiệm.

“Nhiều du khách đến đều thích thú chia sẻ là vườn có không gian mát mẻ, thoáng đãng, mọi thứ gắn liền với thiên nhiên. Chẳng hạn, khi vui chơi thoải mái đến khi khát nước thì hái dừa uống, còn muốn ăn trái cây thì ra vườn là có, muốn ăn loại nào thì hái. Tuy nhiên, hiện nay có thêm một cái khó là từ đường chính vào vườn phải đi qua con đường hẹp, nên khó để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bởi vậy, vợ chồng tôi đang tìm phương án để có thể mở rộng đường đi thuận tiện hơn” - bà Tuyết chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN