Phát triển kinh tế với cây mai vàng

17/10/2022 - 07:10

 - Hình thành và phát triển mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây, nghề trồng mai ở xã Phú Long (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nông dân. Trong đó, những người có kinh nghiệm và sản xuất ổn định với mai vàng đã được tập hợp, thành lập Tổ trồng mai kiểng tại ấp Long Hậu để cùng hỗ trợ lâu dài, tiến tới nhân rộng mô hình.

Nghề trồng mai phát triển, đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân xã Phú Long

Tổ trồng mai kiểng hiện có 6 thành viên, tổng diện tích sản xuất khoảng 1ha. Trong đó, vườn mai của anh Nguyễn Minh Hiếu chiếm số lượng lớn, với 16.000 cây mai con, 2.200 cây mai trung và mai lớn trên diện tích 8.000m2. Là lao động trẻ mới bắt tay với nghề, để có kinh nghiệm, anh Hiếu đến TX. Tân Châu, dành thời gian học nghề từ những người trồng mai giảo lâu năm ở xã Phú Vĩnh. Thấy mô hình của anh dần phát triển, những hộ trồng mai nhỏ lẻ hoặc chơi giải trí ở địa phương đến tìm hiểu, đầu tư mở rộng làm kinh tế. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây mai vàng “nở” dần trên những vùng đất kém hiệu quả, mang lại nguồn giá trị kinh tế khả quan.

Tận dụng mạng xã hội, anh Hiếu bán mai cho nhiều khách hàng ngoài tỉnh. Xây dựng được uy tín, những khách hàng mua số lượng lớn chủ động tìm đến tận nơi. Nhờ phân loại trồng mai vàng theo nhiều giai đoạn nên anh Hiếu bán được quanh năm, mỗi đợt giao cho bạn hàng gần như gom sạch vườn. Để cung ứng đủ, anh vừa ươm giống, vừa mua mai nhỏ từ các vườn khác về dưỡng, gần nhất là từ các vườn mai ở xã Phú Vĩnh.

“Ở đây, tôi trồng chủ yếu là mai giảo Tân Châu, hoàn toàn là những cây nguyên thủy được ươm từ nhỏ, không ghép. Mai giảo còn có tiếng bởi cho bông đẹp, to, có từ 8 đến 20 cánh, lâu tàn, có mùi thơm nhẹ... ít giống nào sánh bằng nên khách hàng rất ưa chuộng” - anh Hiếu thông tin.

Đúc kết kinh nghiệm từ những người đi trước, trong vườn, anh Hiếu trồng số lượng cố định mai giảo chỉ để tuyển chọn hạt chất lượng ươm giống. Nhu cầu của khách hàng mua mai rất đa dạng, từ mai nhỏ (mai con) chỉ vài ngàn đồng, cho đến mai thành phẩm trị giá vài triệu đồng 1 cây. Nhờ vậy, anh Hiếu không lo về đầu ra. Đặc biệt những cây mai lớn, sau khi mua về dưỡng lại, giá bán hơn 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, để có được giá trị kinh tế cao, trồng mai đòi hỏi khá nhiều chi phí. Định kỳ 7 ngày phải xịt sâu, nửa tháng bón phân, theo dõi cây sinh trưởng để tạo dáng, hầu như ngày nào cũng tất bật. Đất trồng mai đòi hỏi bổ sung chất trồng sử dụng trấu, xơ dừa. Nguồn nước tưới phải ổn định, được bơm từ hầm chứ không lấy nước sông sẽ khiến cây dễ nhiễm bệnh. Từ khi chọn mai vàng làm kinh tế chính, anh Hiếu huy động hết lao động trong gia đình tham gia vào các công việc chăm sóc cây, không phải thuê thêm nhân công.

Tham khảo từ cách làm ăn của anh Hiếu, nhiều hộ trồng mai trong xã Phú Long trước đây chỉ phát triển số lượng nhỏ, hoặc nhận chăm sóc mai dịch vụ, nay đã mạnh dạn mở rộng diện tích làm kinh tế. Tổ hội nghề nghiệp được thành lập, các thành viên có điểm đến thường xuyên để trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, nâng dần tay nghề.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho biết, trong số các cây trồng được vận động chuyển đổi trên nền đất kém hiệu quả, mai vàng là cây kinh tế tiềm năng được đánh giá cao. Đặc biệt, dòng mai giảo rất dễ sinh trưởng, kỹ thuật khá nhẹ nhàng, đầu ra triển vọng.

Khi ra mắt tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân xã chọn anh Nguyễn Minh Hiếu là Tổ trưởng, không chỉ bởi anh có vườn mai quy mô nhất, mà còn bởi tay nghề cứng, đầu ra ổn định. Xu thế mai vàng phát triển ngày càng nhiều, hộ nào “đi sau” cần hỗ trợ đầu ra cũng thông qua anh Hiếu mà bán buôn thuận lợi.

Những hộ chỉ trồng mai làm kinh tế, quen mua đi bán lại, giờ còn được nhiều người đem mai nhà đến gửi chăm sóc cả năm. Bình quân 1 vườn mai quy mô, chỉ tính thời điểm cuối năm bán khoảng 200 cây mai thành phẩm, dao động 1,5-10 triệu đồng/cây, đem lại nguồn thu nhập khá cho nông hộ. Còn ngày thường, nông dân chủ yếu bán mai giống và cây con, mỗi  tháng được khoảng 800 cây.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho hay, trong tổ hội nghề nghiệp đã có 3 thành viên được Hội Nông dân xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tổng số tiền 120 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Các thành viên còn lại, khi có nhu cầu vay vốn trồng mai, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục giới thiệu để bà con tiếp cận nguồn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Triển vọng của mai vàng được đánh giá cao, vì trên địa bàn số người trồng mai nhiều, nhưng riêng tại ấp Long Hậu tập trung phát triển dòng mai giảo Tân Châu, thị trường ổn định.

“Anh em truyền nhau kinh nghiệm chăm sóc, mai được tạo dáng theo thị hiếu ưa thích của phần lớn khách hàng. Cây nhỏ nuôi cây lớn để xoay vòng, từ 3 năm, mai thành phẩm có thể xuất bán với giá trị cao gấp nhiều lần. Ngoài khách hàng trong tỉnh, cây mai vàng ở vùng sâu Phú Long nay đã bán số lượng lớn và ổn định đến các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau…” - ông Trần Văn Tươi đánh giá.

MỸ HẠNH