Phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận thông tin cho thiếu nhi

22/05/2023 - 05:32

 - UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch 327/KH-UBND, triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Xây dựng kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi

Xây dựng thế hệ trẻ toàn diện

Những năm qua, hệ thống thư viện (nòng cốt là thư viện công cộng và thư viện trường học) đã phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng, là chủ thể trực tiếp xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân. Hệ thống thư viện chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động, triển khai nhiều mô hình phù hợp, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Pháp luật về thư viện tiếp tục xác định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng. 

Tuy nhiên, môi trường đọc cho thiếu nhi tại nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp trong tiếp cận thông tin; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao, chưa bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào; chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen, kỹ năng đọc, tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin, tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh và UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả phát triển kỹ năng đọc, góp phần hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc. “Cần gắn việc phát triển văn hóa đọc với triển khai chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có liên quan; gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số” - ông Trần Anh Thư yêu cầu.

Phát triển văn hóa đọc

Theo đó, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả của hệ thống thư viện, môi trường văn hóa đọc thân thiện và đạt chuẩn, phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với thiếu nhi, đa dạng sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện; tăng cường sự tham gia của thiếu nhi trong hoạt động, sự kiện khuyến học, trải nghiệm với sách. Đẩy mạnh thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ thiếu nhi ở miền núi, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn; khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của các cấp, ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, từng bước xây dựng và phát triển thư viện, mô hình văn hóa đọc phù hợp với thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt (khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, thuộc diện hộ nghèo). Tăng cường kết nối giữa thư viện, cơ sở giáo dục và cơ quan liên quan, huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc, năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc phù hợp với thiếu nhi.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu số, sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ việc đọc và khai thác thông tin của thiếu nhi trong thư viện. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu của thư viện hiện đại, tính chất đặc thù đối với thiếu nhi. Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện” - ông Trương Bá Trạng thông tin.

“Việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện góp phần hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, thúc đẩy xã hội học tập suốt đời. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng phát triển kỹ năng đọc, góp phần hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

THU THẢO