Phát triển năng lượng tái tạo

01/10/2019 - 07:35

 - Nếu khai thác tốt điện gió, điện mặt trời, An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung hoàn toàn có thể chủ động được nguồn cung năng lượng. Việc phát triển năng lượng tái tạo cũng là khuynh hướng của thế giới bởi lợi thế ngày càng rẻ về chi phí, thân thiện với môi trường, giảm tác động biến đổi khí hậu.

Tăng tốc phát triển

Với việc đưa vào vận hành 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời là Sao Mai Solar PV1 (huyện Tịnh Biên, An Giang) và Sao Mai Solar PV2 (huyện Đức Huệ, Long An), Tập đoàn Sao Mai có thêm nguồn doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ngày từ bán điện thương mại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là nguồn thu rất bền vững bởi theo thống kê, tại vùng ĐBSCL từ 2.200-2.500 giờ nắng/năm với cường độ bức xạ mặt trời từ 4,3-4,9 kWh/m2, lý tưởng cho phát triển điện năng lượng mặt trời.

Hiệu quả khai thác điện mặt trời tại An Giang, Long An và điện gió ở Bạc Liêu là những điển hình trong phát triển năng lượng tái tạo vùng ĐBSCL. Tại hội thảo “Chuyển dịch năng lượng bền vững: cơ hội và thách thức cho ĐBSCL” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức nhân “Tuần lễ tái tạo năng lượng Việt Nam 2019”, đại diện các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau cùng các nhà khoa học, chuyên gia, các trường đại học, viện nghiên cứu… đã tham gia thảo luận sôi nổi. Ông Mai Chí Cường (chuyên viên Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án đầu tư năng lượng tái tạo, chủ yếu từ nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Về điện năng lượng mặt trời, có 10 dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư với tổng công suất khoảng 780MWp, tập trung tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành. Đối với điện mặt trời áp mái lắp cho các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, hiện đã đấu nối với lưới điện với tổng công suất khoảng 600kWp. Về nhà máy điện gió, hiện có 5 dự án đầu tư với tổng công suất khoảng 550MWp, tập trung tại Thoại Sơn và Tri Tôn. Hiện nay, các dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt và thu thập kết quả đo gió.

Nhiều lợi ích

Ông Mai Chí Cường cho rằng, An Giang có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có sẵn. Đặc biệt, nguồn năng lượng mặt trời được lựa chọn là một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế trong chiến lược phát triển năng lượng của tỉnh. Với số giờ nắng trung bình 2.400 giờ, bức xạ mặt trời nằm trong khoảng 4,7-5,1 kWh/m2/ngày, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời. Trong đó, bức xạ bình quân 5,1 kWh/m2/ngày nằm hầu hết tại phía Bắc tỉnh (An Phú, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc, Phú Tân và một phần huyện Chợ Mới), bức xạ bình quân 4,9 kWh/m2/ngày chiếm diện tích lớn nhất, nằm trên địa bàn các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh.

Ngày 12-4-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 834/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển nguồn năng lượng mặt trời tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030 nhằm giúp địa phương xác định các khu vực tiềm năng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư điện khai thác hiệu quả, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, trên địa bàn huyện Tịnh Biên gồm các xã có tiềm năng như: An Cư, Văn Giáo, An Hảo với tổng công suất tiềm năng khai thác 580MWp. Trên địa bàn xã Cần Đăng (Châu Thành) có tiềm năng khai thác 67MWp. Trên địa bàn xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) có tiềm năng khai thác khoảng 90MWp. Trên địa bàn huyện Tri Tôn gồm các xã có tiềm năng như: Châu Lăng, Núi Tô, An Tức với tổng công suất có thể khai thác 253MWp.

Theo ông Cường, khai thác năng lượng tái tạo đang là khuynh hướng chung bởi nguồn năng lượng hóa thạch, dầu mỏ ngày càng cạn dần và giá thành cao, trong khi năng lượng mặt trời, năng lượng gió luôn dồi dào, vô tận. Trong bối cảnh nhu cầu phụ tải điện ngày càng cao, lĩnh vực năng lượng tái tạo lại được hưởng các chính sách ưu đãi, khuyến khích của nhà nước nên càng khuyến khích đầu tư.

Giám đốc Điều hành GreenID Ngụy Thị Khanh cho rằng, ĐBSCL đang là vùng có tiềm năng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, đặc biệt An Giang là tỉnh đi đầu trong ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Do vậy, sau Hà Nội, An Giang là tỉnh được chọn tổ chức sự kiện “Tuần lễ tái tạo năng lượng Việt Nam 2019”. Mới đây, Chính phủ đã quyết định hiệu chỉnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện VII từ 6% lên 10,7%. Động thái này đã mở đường cho 315.000 việc làm từ ngành điện, trong đó số lượng việc làm mới tạo ra từ năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, ĐBSCL được xem là một trong những vùng có sự phát triển sôi động về năng lượng tái tạo, mở ra tiềm năng tự chủ hoàn toàn về năng lượng, thúc đẩy phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, điện mặt trời và điện gió là 2 nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với công suất đạt hơn 5.100MW (điện mặt trời 4.543,8MW, điện gió 626,8MW), chiếm hơn 9% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia.

NGÔ CHUẨN