Phát triển nông nghiệp bền vững

17/06/2024 - 06:25

 - “Dự án “Nghiên cứu về đồng bằng” được thiết kế trong 5 năm (từ 2019 - 2024), với mục tiêu đảm bảo an toàn và bảo vệ tương lai cho vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Nghiên cứu và áp dụng các mô hình sử dụng tài nguyên hợp lý, vận hành hiệu quả cùng với sự tham gia của cộng đồng địa phương và giới khoa học để tạo ra những kiến thức mới và các chính sách ứng dụng" - PGS.TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang) cho biết.

Canh tác mô hình lúa - tôm

 Dự án “Nghiên cứu về đồng bằng” được Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học An Giang phê duyệt (giao cho Viện Biến đổi khí hậu (BĐKH) Trường Đại học An Giang) triển khai. Đây là cơ hội quý để hợp tác quốc tế, đặc biệt là Đại học Newcastle, Vương quốc Anh. Dự án đã triển khai nghiên cứu ở các đồng bằng lớn, gồm: ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) và Đồng bằng Sundarban (Bangladesh và Ấn Độ) để hỗ trợ sinh kế bền vững, cân bằng; quản lý bền vững hệ sinh thái và cảnh quan; giám sát và có chính sách tốt hơn để phát triển bền vững vùng đồng bằng.

 Quá trình triển khai dự án đã đạt được nhiều kết quả, bao gồm: Khảo sát và ghi nhận sự thay đổi văn hóa - xã hội của ĐBSCL theo thời gian và nghiên cứu sự tương tác giữa văn hóa - xã hội và kinh tế; công bố 1 bài báo trên tạp chí quốc tế nhóm Q1 và 3 bài nhóm Q2 Scopus; trình bày 5 báo cáo tại các hội nghị quốc tế; đào tạo và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học cho 2 nghiên cứu sinh cấp quốc tế.

Dự án được sự kết nối và tham gia khảo sát của 19 cán bộ và sinh viên từ Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Bạc Liêu. Bên cạnh đó, dự án đã triển khai thành công mô hình canh tác sinh thái hữu cơ tại xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và mô hình lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương…

 Theo GS Andy Large (Giám đốc dự án, Đại học Newcastle, Vương quốc Anh), kết quả nghiên cứu của 3 hợp phần chính của dự án “Nghiên cứu về đồng bằng” giai đoạn 2019 - 2024 cho thấy, phát triển nông nghiệp theo hướng “thuận thiên” là câu chuyện kinh tế và mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa - xã hội ở địa phương. ĐBSCL được xem là vựa nông sản lớn nhất Việt Nam, không chỉ quan trọng với nông nghiệp mà còn là vùng đa dạng sinh học toàn cầu. 

 Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức, như: Tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mekong và BĐKH. BĐKH đã làm thay đổi lượng mưa và gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến triển vọng phát triển và sinh kế lâu dài của người dân…

Chuyên gia và đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về hệ thống nông nghiệp - lương thực, sức khỏe và di sản văn hóa - thiên nhiên vùng ĐBSCL

 Theo TS Huỳnh Kim Định, (Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL), việc thực hành giải pháp giảm phát thải mang lại nhiều lợi ích, như: Tăng thu nhập cho người nông dân; thị trường lúa chất lượng cao, phát thải thấp và thị trường carbon, nâng cao lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, tổ chức chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh là tài sản của người nông dân canh tác lúa Việt Nam. Đồng thời, nêu cao tinh thần văn hóa, nền văn minh lúa nước của người Việt Nam trong vai trò đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường. 

 Theo PGS.TS Đào Thế Anh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực thực phẩm chiến lược của cả nước, với 50% sản lượng lúa (90% sản lượng xuất khẩu), 50% sản lượng trái cây, 74% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 54% sản lượng thủy sản đánh bắt của cả nước.

  Do đó, PGS.TS Đào Thế Anh đề xuất một số hướng nghiên cứu và giải pháp: Nghiên cứu xây dựng hồ sơ hệ thống nông nghiệp - thực phẩm cho ĐBSCL và cấp tỉnh thuộc ĐBSCL, năng cao kiến thức và hợp tác đa ngành nhằm xác định các ưu tiên trong bối cảnh nhiều thách thức tại ĐBSCL để thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững.

Các vùng sinh thái mặn - lợ - khô hạn cần nghiên cứu chuyển đổi thông minh và đa dạng các mô hình nông nghiệp sinh thái, kết hợp được các kiến thức bản địa và đổi mới sáng tạo nhằm sản xuất và cung ứng thực phẩm lành mạnh, an toàn cho cả thị trường xuất khẩu và trong nước. Tích hợp các giải pháp thích ứng BĐKH với chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thực phẩm thông qua cách tiếp cận hệ thống thực phẩm liên ngành hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và bảo tồn đa dạng hệ sinh thái.

 Trong đó, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đang triển khai thực hiện tại ĐBSCL là cơ hội, điều kiện phát triển canh tác lúa sinh thái, lúa hữu cơ tại Việt Nam. Đề án tập trung ở các vùng thâm canh, chủ động tưới tiêu và phù hợp hài hòa hệ sinh thái đa dạng của vùng ĐBSCL…

Tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, việc triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” nên theo hướng hữu cơ, như áp dụng “1 phải, 5 giảm (phải sử dụng giống được kiểm định; giảm sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước và thất thoát sau thu hoạch)… để sản xuất bền vững.

 Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong quá trình triển khai đề án, sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.  

HỮU HUYNH