Phát triển nông nghiệp ở huyện Châu Thành

24/03/2022 - 06:46

 - Dự báo những khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội đan xen trong năm 2022, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết từng lĩnh vực, đảm bảo thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp nên huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh”.

Nông dân sản xuất thích ứng an toàn

Huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: Xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái.

Năm 2021, huyện Châu Thành triển khai thực hiện 58 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phục vụ xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước áp dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân.

Ngoài ra, để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, huyện Châu Thành tập trung triển khai nhiều giải pháp, với nhiều kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình. Trong đó, đối với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình tập trung đẩy mạnh phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh của địa phương theo chuỗi liên kết gắn với thị trường chế biến, tăng tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng. Với trường hợp thực hiện cấp độ dịch nguy cơ cao và nguy cơ rất cao thì các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan hỗ trợ nông dân triển khai thực hiện các biện pháp sản xuất thích ứng, an toàn với dịch bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân bố trí thời gian, phương thức sản xuất hợp lý, vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường hỗ trợ nông sản của nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện tiếp cận và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tập trung ký kết hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

“Căn cứ diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện sản xuất của người nông dân, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản phù hợp với thực tiễn, không để sản xuất bị ảnh hưởng, gián đoạn. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tiến độ, tình hình sản xuất để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn” - ông Nguyễn Phạm Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, huyện Châu Thành đẩy mạnh chuyển giao những công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tăng cường công tác liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Bài, ảnh: L.H