Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới

28/12/2021 - 07:11

Đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những chìa khóa quan trọng, góp phần hướng tới xây dựng nền sản xuất, thương mại, dịch vụ thông minh, gia tăng giá trị, đặc biệt là thương mại điện tử.

Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, phát triển thương mại điện tử

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài khiến chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy. Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử được Sở Công thương đặc biệt chú trọng để thúc đẩy phát triển, trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Từ đó, góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường cho DN trong đại dịch, hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương có thế mạnh…

Theo Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 2 trung tâm mua sắm, 7 siêu thị, 8 cửa hàng nông sản an toàn, 75 cửa hàng tiện lợi và 203 chợ, phân bổ đều 11 huyện, thị xã, thành phố. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh bình thường mới, ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và một số hộ tiểu thương đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, với nhiều phương thức, như: Bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi, thanh toán không dùng tiền mặt… Sản phẩm, hàng hóa vẫn đảm bảo phong phú, việc kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Ngành công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử. Hỗ trợ DN trong tỉnh kết nối với nền tảng thương mại điện tử quốc tế, như: Lazada, Sendo, Tiki, Amazon, Alibaba, Rakuten… hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh bán hàng, quảng bá cho sản phẩm của tỉnh thông qua điện thoại, mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, YouTube…

Qua đó, kết nối DN thương mại điện tử với nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; nâng cấp sàn giao dịch thương mại điện tử. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thanh toán không dùng tiền mặt); từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là kênh hiệu quả để họ tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mà vẫn đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hình thức bán hàng trực tuyến của siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tăng trưởng mạnh mẽ (từ 100-150% so với ngày thường). Thanh toán qua Internet banking tăng 92% so với cùng kỳ, thanh toán qua ví điện tử tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020.

Sở Công thương phối hợp siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích triển khai dịch vụ “Đi chợ hộ”, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm tươi ngon mỗi ngày. Hỗ trợ 2 DN tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả; cấp 400 tem truy xuất nguồn gốc thịt heo và 5.850 tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cho DN, tổ hợp tác, hợp tác xã; kết nối hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trên 185 tấn nông, thủy sản các loại. Giới thiệu combo nông sản của tỉnh đến chương trình “Đi chợ hộ” của tỉnh Bình Dương. Hỗ trợ DN đăng ký kết nối mua, bán sản phẩm trên Cổng thông tin “Đăng ký kết nối mua - bán nông sản, hàng hóa” (https://htx.cooplink.com.vn/).

Thời gian qua, Sở Công thương duy trì liên hệ, phối hợp với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin nhu cầu về thị trường của các nước; thông tin tham khảo về định hướng nhu cầu thị trường. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả một số mặt hàng nông, thủy sản, đăng tải thông tin giá cả thị trường trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan.

Tới đây, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, hỗ trợ DN phát triển và ứng dụng thương mại điện tử; tiếp tục hỗ trợ đơn vị, DN, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến...

Sở Công thương hỗ trợ đưa 50 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của 35 DN lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, 12 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn và trên 15 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử khác (Shopee, Tiki..). Hỗ trợ 22 DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ kinh doanh đẩy mạnh phân phối hàng Việt qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”; 21 DN tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương). Hỗ trợ DN tham gia 14 lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị nâng cao kiến thức về thương mại điện tử.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích