Phát triển thủy sản bền vững

19/08/2022 - 06:45

Trên cùng đơn vị diện tích, nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế khá cao so các mô hình nông nghiệp khác. Không chỉ phục vụ xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng mang lại tiềm năng lớn cho ngành thủy sản An Giang, nếu được phát triển đúng hướng.

Phòng, chống dịch bệnh

Theo Chi cục Thủy sản An Giang, do giá bán một số loài thủy sản tăng, đặc biệt là cá tra, dẫn đến người nuôi tái đầu tư sản xuất, tăng mật độ nuôi và tăng số lượng, số lần cho ăn nhằm tăng sản lượng và rút ngắn thời gian nuôi. Do vậy, diện tích thủy sản nuôi bị bệnh từ đầu năm 2022 đến nay cao hơn cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bệnh trên thủy sản nuôi chỉ xuất hiện rải rác, tỷ lệ diện tích bị bệnh trên diện tích nuôi là không đáng kể; bệnh xảy ra chủ yếu trong giai đoạn cá giống và cá nhỏ (cá dưới 300gr).

Đáng lưu ý là nguy cơ đối với thủy sản nuôi lồng bè trong giai đoạn từ ngày 12/5 đến 20/5/2022, đã có 196 lồng bè với 780 tấn cá chết bất thường trên địa bàn TP. Châu Đốc và huyện An Phú, chủ yếu là các loại cá lăng nha, cá he, mè vinh, basa, điêu hồng...

Qua kết quả phân tích mẫu cá và mẫu nước, cá chết không phải do bệnh, mà do môi trường nước biến động bất lợi, nhất là hàm lượng ô-xy hòa tan trong nước thấp hơn nhiều so quy chuẩn. Điều này một lần nữa báo động tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở các khu vực nuôi thủy sản lồng bè tập trung trên địa bàn tỉnh.

Thả cá về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, chi cục đã phân công kỹ thuật viên thủy sản các huyện, thị xã, thành phố bám sát địa bàn quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên thủy sản nuôi, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo dịch bệnh trên thủy sản nuôi đúng theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản An Giang đã thu 8 mẫu cá nghi mắc bệnh tại huyện Chợ Mới, Tịnh Biên và TP. Châu Đốc, gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng VII để phân tích tác nhân gây bệnh. Từ kết quả phân tích mẫu, đơn vị đã hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi, trong đó có trường hợp cá nuôi lồng bè chết bất thường trên địa bàn huyện An Phú và TP. Châu Đốc.

Chi cục Thủy sản An Giang đã chủ động thực hiện 8 đợt quan trắc, giám sát môi trường nước tại các vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản Nam Bộ - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thực hiện 15 đợt quan trắc môi trường tại 11 điểm nuôi cá tra tập trung của tỉnh.

Phối hợp với Trung tâm vùng I (Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản) thực hiện 15 đợt quan trắc môi trường tại 2 điểm nuôi cá rô phi, điêu hồng trong lồng bè tập trung của tỉnh (TP. Long Xuyên và TX. Tân Châu). Từ kết quả quan trắc, ngành thủy sản đã khuyến cáo các hộ nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản những giải pháp phù hợp, nhằm hạn chế ảnh hưởng khi chỉ tiêu môi trường thay đổi.

Nỗ lực tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản có sự phục hồi tốt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, nửa năm 2022, diện tích thu hoạch thủy sản đạt 1.287ha, sản lượng 262.000 tấn, tăng 16.700 tấn so cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch 225.000 tấn (tăng 15.900 tấn); các loại cá khác (cá lóc, rô phi, điêu hồng, cá trê, chim trắng...) ước 8.700 tấn (tăng 320 tấn); thủy sản khác khoảng 815 tấn (tăng 0,86 tấn). Riêng giống cá tra, đạt trên 1 tỷ con, tăng 94 triệu con so cùng kỳ; các giống thủy sản khác trên 612 triệu con.

Giá cá giống và thương phẩm hiện vẫn đang ở mức cao nên các cơ sở nuôi tập trung thả kín diện tích. Sau khi thu hoạch, các cơ sở nuôi liên kết và doanh nghiệp (DN) gần như thả nuôi đạt 100% diện tích. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng cá tra nguyên liệu thu hoạch sẽ tiếp tục tăng, kéo theo nhu cầu con giống tái thả nuôi cũng tăng theo. Trong tháng 4/2022, người nuôi đã thả ương bột với diện tích cao hơn cùng kỳ 2021, giúp tăng sản lượng giống đáp ứng yêu cầu.

Ông Dũng dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, ngành thủy sản có khả năng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, chủ yếu nhờ vào xuất khẩu cá tra trên đà hồi phục mạnh, tiếp tục tăng nhu cầu trong các tháng cuối năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các DN xuất khẩu tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để tận dụng tốt thời cơ, hướng đến phát triển bền vững, ngành thủy sản tiếp tục vận động các DN chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh liên kết chặt chẽ, gắn kết với hộ nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, theo hướng DN đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình sản xuất. An Giang tiếp tục triển khai đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”; tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang

An Giang tạo điều kiện thu hút, ưu đãi, mời gọi các DN đầu tư các dự án vùng sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm gắn với phát triển liên kết chuỗi, tái cơ cấu ngành hàng thủy sản hiệu quả.

NGÔ CHUẨN