Cụ thể, tỷ lệ giải quyết tin báo về tội phạm hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ giải quyết trong 2 năm đạt 93% (5.810/6.246). Hàng năm, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm của kiểm sát, công an cấp huyện; thường xuyên nắm tình hình tại hải quan, bộ đội biên phòng. Qua đó, có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm được thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc và trình tự, thủ tục đã được quy định trong thông tư liên tịch và quy chế phối hợp. Tổng số vụ việc cơ quan điều tra tiếp nhận, thụ lý, giải quyết 6.332 tin (2.028 tố giác, 4.258 tin báo, 46 kiến nghị khởi tố). Tổng số vụ việc đã giải quyết là 5.836 tin (đạt gần 92% so với tổng số thụ lý)…
Ký kết quy chế phối hợp liên ngành
Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp ban hành 26 kiến nghị phòng ngừa và khắc phục vi phạm trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin (1 kiến nghị UBND tỉnh khắc phục vi phạm đối với hoạt động định giá tải sản trong tố tụng hình sự; 3 kiến nghị đối với UBND cấp huyện; 3 kiến nghị đối với UBND cấp xã và 16 kiến nghị đối với cơ quan điều tra 2 cấp) về việc chậm chuyển giao nguồn tin về tội phạm giữa công an xã khi tiếp nhận với cơ quan điều tra và điều tra viên thụ lý, xác minh tin báo, chậm xác minh thu thập chứng cứ, triệu tập lấy lời khai nhân chứng… Lãnh đạo cơ quan điều tra 2 cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, khắc phục những vi phạm, thiếu sót mà Viện Kiểm sát nhân dân đã kiến nghị.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp chủ động, duy trì thường xuyên mối quan hệ phối hợp cơ quan điều tra cùng cấp để kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm. Hàng ngày (đối với cấp huyện), hàng tuần (cấp tỉnh) đều phân công kiểm sát viên liên hệ với điều tra viên và các cơ quan (được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra) để nắm tin báo về tội phạm mới tiếp nhận, phối hợp phân loại xử lý và tiến hành yêu cầu xác minh. Hàng tháng, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra tiến hành rà soát, đối chiếu sổ thụ lý và lập bảng thống kê tin báo về tội phạm (có ký xác nhận của lãnh đạo 2 ngành); trong đó, ghi rõ số tin báo đã tiếp nhận, đã giải quyết và tin báo quá hạn chưa giải quyết, nguyên nhân. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra cùng cấp bàn biện pháp giải quyết, nhằm hạn chế việc quá thời hạn hoặc tồn đọng kéo dài.
Riêng các cơ quan được giao nhiệm tiến hành một số hoạt động điều tra, tổ chức việc tiếp nhận tin báo về tội phạm và ghi vào sổ theo quy định; nhanh chóng phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu về nội dung thông tin. Qua phân loại, nếu tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình, thì vào sổ thụ lý, phân công cán bộ điều tra (bộ đội biên phòng, hải quan...) tiến hành xác minh và báo ngành công an, viện kiểm sát cùng cấp bàn giải pháp, để thống nhất việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trước khi ra quyết định...
Cơ quan điều tra tổ chức tốt việc tiếp nhận tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp, báo tin và ghi vào sổ theo quy định. Sau khi tiếp nhận đã nhanh chóng phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu về nội dung thông tin. Qua phân loại, nếu tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình, thì phân công điều tra viên tiến hành xác minh. Đối với những tin báo về tội phạm chưa có căn cứ, kiểm sát viên phối hợp điều tra viên hoặc cán bộ điều tra đề ra nội dung yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ, khi có đủ căn cứ mới thống nhất ban hành quyết định giải quyết.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Lê Xuân Hải đề xuất: “Thời gian tới, các đơn vị liên ngành sẽ tăng cường quan hệ phối hợp cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra liên ngành 2 cấp; kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ khi phát hiện tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Chủ động phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án trong giải quyết vụ án, nhất là vụ án có tính chất phức tạp, nhiều bị can, bị cáo, vụ án trả điều tra bổ sung... đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm”.
NGUYỄN HƯNG