Phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới

30/03/2021 - 03:59

 - Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội (KTXH), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 yêu cầu cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp để “chiến đấu trường kỳ”, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tích cực thúc đẩy phát triển, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu (KTXH).

Kiểm soát chặt chẽ biên giới, tuyên truyền để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Ảnh: HỮU HUYNH

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, để tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra các chiến lược mới, phù hợp. Trong đó, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, yêu cầu nhanh chóng, khẩn trương triển khai “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần, khống chế mầm bệnh, không để lây lan ra cộng đồng và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp đối với từng địa bàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến KTXH.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và ảnh hưởng lớn đến KTXH, cần tiếp tục chung sống, có giải pháp phù hợp để “chiến đấu trường kỳ”, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tích cực thúc đẩy phát triển KTXH, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu đề ra. Trong đó tăng cường lãnh, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Khi có nguy cơ dịch xảy ra phải ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch. Không áp dụng giãn cách trên phạm vi rộng; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cần được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hạn chế tác động tiêu cực đến các hoạt động KTXH và đời sống người dân.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, không thể liên tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao (như giãn cách xã hội) trong thời gian dài và ở phạm vi rộng. Ban Chỉ đạo quốc gia yêu cầu tích cực thực hiện các giải pháp căn cơ nhưng phổ thông nhất, dễ thực hiện nhất nhằm ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng (như: bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người, hạn chế hội họp, tăng cường làm việc trực tuyến...). Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, bảo đảm an toàn đối với các đối tượng có nguy cơ cao trong cộng đồng (người cao tuổi, người có bệnh nền...). Cần xác lập một số biện pháp bắt buộc, như: đeo khẩu trang nơi công cộng, bắt buộc phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế, truy vết đối với một số đối tượng như các trường hợp F1, F2, có nguy cơ lây nhiễm bệnh, có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm…

Một vấn đề quan trọng hiện nay là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là lao động tay nghề cao nhập cảnh, nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. An Giang đã và đang tập trung lực lượng siết chặt biên giới, ngăn chặn người vượt biên trái phép, bởi đây là một trong những nguy cơ lây lan dịch bệnh, do Campuchia có số ca mắc COVID-19 gia tăng; một số tỉnh giáp ranh, như: Kiên Giang, Đồng Tháp có ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hơn 1 năm qua, bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, y tế địa phương thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu và trên biên giới. BĐBP phối hợp các lực lượng công an, quân sự duy trì thường xuyên 187 tổ, chốt để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống dịch bệnh; duy trì nghiêm lệnh cấm trại 100% đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ. Từ ngày 18-3-2020 đến 25-3-2021, BĐBP tỉnh đã phối hợp bàn giao cho Ban Chỉ đạo 5 huyện, thị xã biên giới đưa vào cách ly tập trung 4.980 người.

An Giang chưa có ca mắc COVID-19 tại địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới, ở Campuchia và một số tỉnh giáp ranh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nắm chắc, theo dõi chặt chẽ người về từ vùng dịch, người đã hoàn thành cách ly tập trung về địa phương tiếp tục cách ly tại nhà; có giải pháp theo dõi, cách ly phù hợp và đúng quy định. Các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các nhà trọ, cơ sở lưu trú. Thường xuyên kiểm tra tuyến biên giới không để xảy ra nhập cảnh trái phép. Tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh và phát hiện, tố giác các đối tượng vượt biên, vận chuyển người vượt biên trái phép. Đồng thời, tăng cường khuyến cáo người dân thực hiện giải pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) theo hướng dẫn của Bộ Y tế... và tăng cường kiểm soát, không để xảy ra người trốn khỏi khu cách ly tập trung.

Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ diễn ra các sự kiện, lễ trọng của các dân tộc, tôn giáo. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu, thực hiện nghiêm giải pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, khi tổ chức phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Các chức sắc, chức việc, người có đạo nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp chính quyền địa phương rà soát, tuyên truyền vận động tín đồ có thân nhân ở nước ngoài, các tín đồ từ các địa phương khác hạn chế di chuyển về địa phương (tỉnh An Giang); nên ổn định, tham gia các hoạt động lễ hội dân tộc, tín ngưỡng - tôn giáo tại nơi cư trú…

HỮU HUYNH