Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em

07/05/2020 - 05:09

 - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch phổ cập bơi Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2020, nhằm kêu gọi và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội cùng thực hiện công tác phổ cập bơi. Qua đó, góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, trẻ em…

Tăng cường công tác phổ cập bơi cho trẻ em

Hàng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp các ban, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước cho các hướng dẫn viên, cộng tác viên, giáo viên, huấn luyện viên.

Ngoài ra, ngành thể thao tỉnh tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều hồ bơi ở các địa phương, nhằm phục vụ hoạt động dạy và học bơi của người dân. Bên cạnh đó, môn bơi còn được đưa vào trường học, góp phần nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em và học sinh. Tuy nhiên, An Giang là tỉnh đầu nguồn có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nên công tác phổ cập bơi luôn được các cấp, ngành quan tâm.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang, kế hoạch phổ cập bơi Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2020 sẽ được triển khai thực hiện từ ngày 1-6 đến 10-11, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân lợi ích của bơi lội, nhất là những người thường xuyên sống ở vùng sông nước.

Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển phong trào, giúp các em hăng hái tham gia tập luyện môn bơi, góp phần hạn chế trẻ em bị đuối nước trong toàn tỉnh.

Sở VH-TT&DL phối hợp các địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cơ bản của bơi lội và phương pháp cấp cứu cho hướng dẫn viên cơ sở cho giáo viên thể dục - thể thao (TDTT), cán bộ văn hóa xã, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em... Đồng thời, chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể thống kê số liệu trẻ em trong độ tuổi phổ cập bơi trong năm.

Qua đó, đề ra kế hoạch tổ chức các lớp phổ cập bơi lồng ghép vào nội dung sinh hoạt hè phù hợp điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động thể thao dưới nước. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em, nhằm rút kinh nghiệm, học tập, triển khai cách làm hiệu quả của các đơn vị điển hình để nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh.

Để công tác phổ cập bơi được triển khai thực hiện hiệu quả, Sở VH-TT&DL đề nghị Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh xây dựng chương trình, giáo án khung; tổ chức các lớp phổ cập bơi tại trung tâm. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn viên, cộng tác viên phổ cập bơi, cứu đuối. Ngoài ra, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các trường có đủ điều kiện để tổ chức mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”. Qua đó, tiến tới thực hiện đồng loạt việc đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa tại các trường học có điều kiện trong những năm tiếp theo.

Các đơn vị, địa phương tùy theo tình hình, điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức tổ chức phổ cập bơi và cách thức huy động lực lượng phù hợp, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị tổ chức tốt Hội thi bơi lặn cứu đuối “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em” tỉnh An Giang lần XIV-2020 tại TP. Châu Đốc và chuẩn bị lực lượng tham dự Hội thi bơi lặn cứu đuối toàn quốc…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU