Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

25/06/2020 - 05:17

 - Xác định những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em, thời gian qua, cơ quan chức năng và các ban, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống với nhiều giải pháp khác nhau, đã và đang mang lại kết quả tích cực. Những giải pháp này kết hợp với vai trò của gia đình, xã hội góp phần bảo đảm môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ phát triển.

Mọi người đều phải có kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em để bảo vệ con cháu trong gia đình

Xây dựng môi trường an toàn

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (cán bộ Gia đình - Trẻ em xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang), hàng tháng xã đều tổ chức tuyên truyền theo nhóm, mời bà con ở địa phương lại lắng nghe, trao đổi xoay quanh các chủ đề: phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, tác hại của ma túy...

Ngoài ra, ở địa phương còn có đội ngũ cộng tác viên vãng gia hàng ngày đến từng nhà để phát tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, UBND xã Phú Bình còn kết hợp Đài Truyền thanh xã, hàng tuần phát 2 lần về chủ đề: bảo vệ, chăm sóc trẻ em về quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em...

Ở  trường học còn thành lập 1 Câu lạc bộ quyền trẻ em, với 30 thành viên nòng cốt. Định kỳ hàng tháng, các em đều tổ chức sinh hoạt, nghe tuyên truyền về chủ đề quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em... sau đó, các em sẽ là lực lượng có trách nhiệm tuyên truyền cho bạn bè của mình, để các bạn hiểu về tác hại của xâm hại tình dục, cách phòng tránh được nguy cơ xâm hại, các kỹ năng sống cần thiết để mình và bạn bè không trở thành nạn nhân của việc xâm hại trẻ em.

“Bằng việc thực hiện tuyên truyền thường xuyên, có chủ đề thực tế đã giúp nhận thức của bà con và học sinh ngày càng nâng lên. Kết quả là ở địa phương không có trẻ bị xâm hại, hoặc không có nguy cơ xâm hại vì người dân có ý thức giáo dục con cháu rất tốt, mọi người đều có kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” - chị Loan thông tin.

Từ năm 2010, xã Phú Bình là địa phương thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” nằm trong dự án “Bạn hữu trẻ em”. Hiện nay, dự án đã kết thúc được 5 năm, tuy nhiên nhận thấy đây là một mô hình hay nên địa phương duy trì đến nay. Trên địa bàn xã Phú Bình có khoảng 95% gia đình có trẻ em được xác nhận “Ngôi nhà an toàn” đối với trẻ. Trong quá trình thực hiện “Ngôi nhà an toàn”, địa phương lồng ghép tuyên truyền xâm hại tình dục ở trẻ em đến các thành viên trong gia đình để mọi người đều có kiến thức, hiểu biết và có kỹ năng phòng, chống tốt hơn.

Gia đình cùng chung tay

Gia đình bà Nguyễn Thị Điểu (xã Phú Bình) có con gái, cháu gái nên bà rất chú trọng việc quản lý, giáo dục, bảo vệ con cháu mình một cách an toàn. Theo bà Điểu, ngoài coi tin tức trên báo đài, khi ở địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, bà đều đến tham dự để có kiến thức về răn dạy con cháu trong gia đình, nhất là con gái, cháu gái của mình.

“Mình phải đi để có thêm kiến thức về dạy con cháu trong gia đình. Đặc biệt, với các cháu gái nếu đã dậy thì thì không đi đường vắng, không tụm năm, tụm bảy chơi điện thoại trong phòng mà không có sự quản lý của người lớn...” - bà Điểu cho hay.

Không chỉ tuyên truyền cho con cháu trong gia đình, bà Điểu còn là một tuyên truyền viên năng nổ với bạn bè, hàng xóm. “Có những chị em bận đi làm suốt ngày nên tin tức khó nắm bắt, nhà có cháu gái đang tuổi trưởng thành nên mình tuyên truyền cho họ. Mình dẫn chứng bằng những tin tức thời sự trên báo, đài địa phương. Khi cho con cháu đi học, không phó mặc hết cho nhà trường mà phải dành thời gian quan tâm đến các cháu” - bà Điểu chia sẻ.

Ban đêm thì khuyên con cháu ở nhà ôn bài cho hôm sau đi học, tránh đi la cà với bạn bè, vừa không tốt lại ảnh hưởng sức khỏe. Phải dạy các cháu gái, ở những buổi đám tiệc, có nhậu nhẹt không được lân la đến gần để hạn chế đến mức thấp nhất những việc đáng tiếc có thể xảy ra.

“Hiện nay, những bé gái từ 13, 14 tuổi nhìn vào thấy đã rất trưởng thành nên gia đình phải thường xuyên hướng dẫn, cùng với nhà trường, địa phương dạy các cháu kỹ năng phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em, vừa có kiến thức bảo vệ bản thân, vừa cùng bảo vệ bạn bè mình” - bà Điểu chia sẻ.

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em không còn là chuyện của riêng gia đình, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội, để tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện, môi trường sống an toàn, lành mạnh.

ÁNH NGUYÊN