Phong trào nghiên cứu khoa học ở một trường biên giới

12/05/2022 - 07:06

 - Trường THCS và THPT Cô Tô (thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) luôn đạt giải thưởng cao từ Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh An Giang. Qua đó, góp phần phát triển phong trào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong học sinh, tạo sân chơi trí tuệ, phát huy tính sáng tạo khi giải quyết vấn đề thực tiễn.

Nhiều sáng kiến đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật

Ấn tượng Võ Hoàng Nam

Những năm qua, bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo, vững về chuyên môn, Trường THCS và THPT Cô Tô còn rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong học sinh, đặc biệt đối với Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh. Thông qua cuộc thi này, học sinh được thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học, từ đó phát triển những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cộng đồng.

Trong 3 năm học gần đây, nhà trường luôn có học sinh đạt giải cao tại cuộc thi cấp tỉnh, đó là Võ Hoàng Nam (lớp 12A1). Cụ thể, năm học 2021-2022, sản phẩm “Hệ thống theo dõi chất dinh dưỡng trong đất” của Nam đoạt giải 3. Sản phẩm dựa trên ý tưởng kiểm tra lượng nước, chất dinh dưỡng có trong đất, bước đầu giúp nông dân biết thành phần dinh dưỡng trong đất, cung cấp lượng phân bón, chất dinh dưỡng, nước phù hợp; giúp nông sản hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời tránh được tình trạng lãng phí khi sử dụng phân bón. 

Trước đó 1 năm, sản phẩm “Cánh tay robot điểu khiển bằng giọng nói” của Võ Hoàng Nam xuất sắc đoạt giải nhất. Cánh tay robot được điều khiển bằng giọng nói thông qua điện thoại thông minh (sử dụng hệ điều hành android). Hệ thống có thể chuyển động, mang vác vật nặng theo lệnh người điều khiển. Cánh tay robot có thể ứng dụng để làm đồ chơi điều khiển từ xa cho trẻ em, thay thế con người làm công việc dọn cỏ, vệ sinh… Ngoài ra, năm học 2019-2020, Võ Hoàng Nam để lại ấn tượng tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng tỉnh với sản phẩm “Robot điều khiển bằng giọng nói” và đoạt được giải 3.

Hoàng Nam cho biết, các ý tưởng được hình thành dựa trên nhu cầu thực tế trong cuộc sống. Một trong những khó khăn khi thực hiện ý tưởng là kiến thức mới, không có trong chương trình phổ thông. Do đó, bản thân Hoàng Nam phải nỗ lực tìm hiểu, trao dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ sách, báo, mạng xã hội, đặc biệt là nhờ chỉ dẫn nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn.

Phát triển tư duy

Để có được thành tích trên, hàng năm, Trường THCS và THPT Cô Tô thẩm định ý tưởng khoa học của học sinh, chọn lọc ý tưởng khả thi, phân công giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh phát triển, hoàn thiện đề tài dự thi cấp tỉnh. Các giải pháp sáng tạo khoa học - kỹ thuật đều xuất phát từ sự quan sát hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống, được các em nghiên cứu để tìm lời giải cho hiện tượng, vấn đề đó.

Cô Nguyễn Bảo Hạnh (giáo viên bộ môn Tin học) hướng dẫn trực tiếp học sinh tham gia các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật. “Tùy vào chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường triển khai đến các em có niềm đam mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Từ đó, giúp các em định hướng, hình thành ý tưởng sản phẩm. Những ý tưởng khả thi sẽ được chọn lọc, phát triển để dự thi. Trường hợp các em không đưa ra được ý tưởng, giáo viên hướng dẫn gợi ý chủ đề, ý tưởng để các em chọn lựa, có cách tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện một cách hợp lý” - cô Hạnh chia sẻ.

Cũng theo cô Hạnh, việc nghiên cứu được thực hiện trong thời gian nghỉ hè, nhằm tránh ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Trong thời gian này, giáo viên hướng dẫn sẽ luôn theo sát, định hướng, gợi mở cách làm hay, giải pháp hiệu quả để các em kịp thời cập nhật, tiếp thu, vận dụng vào từng đề tài, sản phẩm. Sau mỗi cuộc thi, đề tài, sản phẩm đoạt giải được trưng bày, giới thiệu tại trường nhằm khuyến khích, động viên các em tham gia phong trào nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong trường học.

Có thể thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật tại Trường THCS và THPT Cô Tô đã tạo động lực, khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo ý tưởng hữu ích, phục vụ học tập và cuộc sống. Từ đó, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học; phát triển khả năng tư duy, năng lực tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo cho học sinh ngay từ thời điểm ngồi trên ghế nhà trường.

ĐỨC TOÀN