Phong trào nông dân giỏi góp phần đổi thay “xứ nếp”

28/06/2022 - 09:13

 - Giai đoạn 2019-2022, phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi ở huyện Phú Tân được nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nhờ nông dân tích cực tham gia, tâm huyết đầu tư cho từng mô hình cụ thể nên quá trình nâng chất phong trào không làm ảnh hưởng đến số lượng hộ đạt chuẩn SXKD giỏi. Vùng nông nghiệp cù lao đã xuất hiện nhiều hộ, trang trại, doanh nhân nông thôn có quy mô sản xuất lớn, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, thu hút nhiều lao động…

Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp huyện Phú Tân

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, thế mạnh của địa bàn là phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng thời là vùng chuyên canh nếp đặc sản của tỉnh, có hệ thống đê bao kiểm soát lũ gắn với giao thông, thủy lợi nội đồng rất thuận lợi và an toàn. Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện ủy, UBND huyện Phú Tân đã kịp thời đề ra những chủ trương, giải pháp khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đặc biệt là chủ trương khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tỷ lệ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và khoa học - công nghệ trong sản xuất ngày càng tăng.

Nông dân hiện nay chú trọng phát triển kinh tế vườn, sản xuất theo hướng công nghệ cao, giảm dần diện tích sản xuất lúa, nếp. Bên cạnh đó, huyện không ngừng củng cố, nâng chất hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện nhiều dịch vụ, nhất là hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hàng năm, số lượng hội viên đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi đều tăng (năm 2020 đăng ký 14.978 người, năm 2022 đăng ký 18.263 người), tỷ lệ nữ nông dân giỏi chiếm 15,1%. Cùng với đó, cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, từng bước dịch chuyển dần sang các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đa canh gắn với chế biến, kinh doanh, dịch vụ; giảm dần tỷ lệ sản xuất độc canh cây lúa, nếp (từ 46,6% năm 2019 xuống còn 45% năm 2022).

“Qua tỷ lệ và cơ cấu ngành nghề cho thấy, số nông dân đạt tiêu chuẩn nông dân SXKD giỏi hàng năm luôn đi đầu thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa ngành nghề theo hướng tích cực trên tất cả các lĩnh vực, kết hợp giữa sản xuất, chăn nuôi với ngành nghề, dịch vụ khác nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Mức thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt trên 53 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, toàn huyện xét đạt 14.736 nông dân SXKD giỏi các cấp, tăng 9,2% so với năm 2019 (tăng 1.228 nông dân)” – ông Ẩn thông tin.

Đồng hành với tinh thần chí thú làm ăn, mạnh dạn học hỏi, đổi mới, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ cho hội viên được tiếp cận những chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển. Điển hình như hỗ trợ về vốn, trang bị những công cụ máy móc, tiếp cận ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật; tổ chức cho nhiều nông dân tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm những mô hình sản xuất có hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện.

Hàng trăm hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản suất, tiêu biểu nhất là nhóm mô hình công nghệ cao như: Sản xuất lươn giống của anh Bùi Văn Út ở xã Hòa Lạc, sản xuất dâu tây giống trong nhà màng của anh Đỗ Chí Nam ở xã Phú Thành, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của Câu lạc bộ bưởi da xanh xã Phú Thạnh, sản xuất dưa lưới trong nhà màng của nông dân Thái Vĩnh Phú ở xã Bình Thạnh Đông, sản xuất trà của anh Trần Hữu Nghĩa ở xã Phú Thành, mô hình ứng dụng phân hữu cơ nano trong sản xuất lúa của Chi hội nghề nghiệp xã Phú Hiệp…

Trên “xứ nếp” hiện nay còn có những vùng sản xuất cây ăn trái tập trung được nhà nước đầu tư, xuất hiện đa dạng các loại cây ăn trái, như: Bưởi da xanh ở xã Phú Thạnh, sầu riêng ở thị trấn Chợ Vàm, xoài, nhãn ở xã Phú Hiệp… Nông dân còn quan tâm đến Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Năm 2020 và 2021, có 5 sản phẩm trên địa bàn huyện Phú Tân được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trong đó, ông Trần Văn Cượng (xã Phú Hưng) với mô hình sản xuất và chế biến dâu tằm; ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Bình) với mô hình nuôi và chế biến cá nàng hai... mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Phát huy nguồn lực từ phong trào, với tinh thần “Tương thân tương ái” hỗ trợ lẫn nhau trong SXKD để phát triển kinh tế - xã hội, các hội viên tích cực giúp nhau thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Họ đã đồng hành cùng địa phương chăm lo tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ gia đình chính sách… Nhiều hội viên nông dân còn đóng góp tiền của, ngày công lao động thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, cất nhà cho hội viên… với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.

MỸ HẠNH