Đã tầm 3 giờ chiều nhưng trại ươm cây giống của bà Nhung vẫn rộn rã nhịp sinh hoạt của nhiều chị em lao động nữ. Họ đang làm công đoạn gieo từng hạt giống vào khay bầu đất đã được chuẩn bị sẵn. Bà Nhung đi từ trại giống này sang trại khác, kiểm tra từng thao tác, hướng dẫn một số chị em mới vào nghề làm cho đúng kỹ thuật, có khi bà còn ngồi xuống làm cùng.
“Tôi làm công việc này hơn 20 năm nay, mọi kỹ thuật đều am tường, mới có thể đảm bảo hạt giống gieo mầm được sinh trưởng tốt; chăm chút đủ điều kiện về dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng mới có thể cho được cây mầm khỏe, đáp ứng số lượng cây giống giao cho khách hàng” - bà Nhung chia sẻ.
Bà Nhung (bìa trái) trực tiếp gieo hạt giống cùng người lao động
Người phụ nữ sắp bước sang tuổi 60 bắt đầu kể về tình yêu cũng như hành trình gắn với nghề làm cây giống. “Ngày trước, làm cây giống vất vả, bởi nghề lắm công phu, phải tỉ mỉ bầu giống bằng lá chuối để giao cho khách hàng, cây làm ra ít lại chỉ bán quanh quẩn trong địa phương nên thu nhập chỉ đủ tiền chợ hàng ngày. Gắn bó với nghề được hơn 10 năm, duyên lành đến với gia đình khi chồng tôi được chọn trở thành hộ thí điểm trồng cây giống.
Lúc bấy giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ chồng tôi làm nhà lưới để ươm cây giống với diện tích 1.000m2, có lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động và công nghệ ươm giống trong khay xốp.
Chồng tôi được đi học tập kinh nghiệm ở các nước, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển, như: Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan... tiếp cận được những kiến thức mới trong sản xuất. Về quê, ông mạnh dạn cải tiến quy trình ươm cây giống, chú trọng chất lượng, góp phần tăng uy tín và thương hiệu cây giống Hội An” - bà Nhung chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả, vợ chồng bà Nhung đầu tư mở rộng thêm diện tích nhà lưới lên 8.000m2. “Nhờ diện tích lớn nên chúng tôi có thể sản xuất quanh năm, hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết. Mỗi đợt, vườn ươm xuất ra thị trường gần 100.000 cây giống các loại, nhiều nhất là ớt Nông Hội, ớt Sen Hồng, ớt Chánh Phong, ớt An Phú Nông…
Do sản xuất trong nhà lưới nên chi phí đầu tư ban đầu cao, chúng tôi phải tối ưu hóa hết diện tích đất sản xuất. Nếu thời điểm nào ít đơn hàng, có diện tích đất trống, tôi trồng cải bẹ dún, cà tím, nhất là bông vạn thọ dịp Tết để tăng thu nhập” - chủ cơ sở Lê Hoàng Phúc cho hay.
Phấn khởi với thành quả đạt được, ông Lê Hoàng Phúc thật tình: “Nếu nói về kỹ thuật, như: Khi nào thì cần phun sương bằng hệ thống tưới tự động, bằng vòi sen, lúc nào cần kéo lưới đen che ở trần nhà lưới để giảm ánh sáng trực tiếp, giúp cây giống phát triển tốt thì tôi thạo lắm. Bởi, tôi có cơ hội đi học tập, tham quan nhiều nơi. Tuy nhiên, về cách quản lý cây giống, số lượng bao nhiêu, tỷ lệ hao hụt, tính toán trồng cây giống gì, ai đặt hàng, giao hàng ở đâu đều do vợ tôi gánh vác.
Bà ấy có khả năng ghi nhớ, sắp xếp công việc khoa học, sắp xếp lao động hợp lý nên dù mỗi năm cơ sở được mở rộng hơn, vợ tôi vẫn trông coi ổn thỏa, đồng thời luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu cây giống ngày càng cao của nông dân. Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi cây giống làm ra, đều phải được chăm chút kỹ lưỡng, nhờ vậy khi nông dân trồng sẽ mang lại hiệu quả cao, vụ mùa sản xuất sau sẽ tìm đến mình”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Hội An Trần Kim Ngân thông tin: “Bà Nhung là một trong những phụ nữ tiêu biểu về tấm gương vượt khó, chăm chỉ trong lao động - sản xuất, không những làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ thường xuyên cho gần 30 lao động có việc làm ổn định quanh năm và nhiều lao động làm việc theo thời vụ.
Mô hình ươm cây giống của ông bà góp phần cung cấp nguồn giống sản xuất ổn định cho nông dân địa phương và phân bổ đi khắp khu vực ĐBSCL. Đây là mô hình tạo động lực lớn, khuyến khích nông dân, thanh niên, phụ nữ địa phương tham gia học tập.
Năm 2022, Đoàn Thanh niên thị trấn Hội An đã thành lập câu lạc bộ “Vườn ươm cây giống trong nhà lưới”, tạo điều kiện cho các thanh niên định hướng nghề nghiệp bản thân, có cơ hội việc làm và phát triển kinh tế ngay tại quê nhà”.
NGỌC GIANG