Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp và dân thụ hưởng”, xã Phú Thạnh đã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện công trình xây dựng nông thôn bằng nhiều hình thức. Khi “ý Đảng” đã hợp “lòng dân” thì người dân sẵn sàng đóng góp ngày công, vật tư, hiến đất… cùng chính quyền địa phương hoàn thành các công trình theo phát động.
Điển hình là cầu lộ sau K16 vừa khánh thành trong tháng 10, kinh phí hoàn toàn từ xã hội hóa. Công trình huy động sự tham gia đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài xã, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, hơn 2.000 ngày công lao động.
Quá trình xây dựng, toàn bộ kinh phí đóng góp đều được công khai, người dân trực tiếp giám sát từ kinh phí đến chất lượng. Chính sự minh bạch về tài chính đã được nhiều người đồng tình ủng hộ, kể cả người ngoài địa phương cũng sẵn lòng đến góp sức lực và tiền xây dựng cầu.
Các công trình góp phần đổi mới diện mạo nông thôn
Ông Nguyễn Văn Na (người dân ấp Phú Cường A) bày tỏ: “Cầu lộ sau K16 hoàn thành, tôi rất phấn khởi và tự hào, tạo thuận lợi cho bà con, học sinh qua lại dễ dàng. Bà con ở đây vui sướng nhất là sự đồng lòng, chung tay cùng với chính quyền địa phương xây dựng cầu. Những ngày qua, dù trời nắng hay mưa, mọi người đều tích cực làm việc để hoàn thành sớm hơn tiến độ dự kiến, thêm cây cầu mới vững chãi mọc lên ở nông thôn”.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng cho biết, từ đầu năm, Đảng bộ xã xác định các công trình trọng điểm cần tập trung thực hiện. Trong đó có cầu lộ sau K16, cầu gỗ kênh ngang 2, dặm vá tuyến đường K16. Đến nay, các công trình đều hoàn thành và đưa vào sử dụng, hiệu quả mang lại rất thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho xã, thể hiện được “ý Đảng, lòng dân” mong muốn xây dựng xã Phú Thạnh nói riêng và huyện Phú Tân ngày càng khởi sắc.
Tại xã Tân Trung, gắn với nhiệm vụ về đích nông thôn mới cuối năm 2023, địa phương đẩy mạnh thực hiện các phần việc, công trình chỉnh trang nông thôn với sự giúp sức của ban, ngành, đoàn thể huyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung Võ Thanh Tùng cho hay, kế hoạch chỉnh trang nông thôn trên địa bàn sau khi triển khai nhận được sự đồng thuận của người dân. Trong quá trình thực hiện di dời các vật dụng lấn chiếm lề đường, bảng hiệu, chậu cây… bà con tự di dời và còn tham gia với đoàn để thực hiện các điểm khác trong xã. MTTQ, các đoàn thể đã góp phần tuyên truyền đến người dân để họ hiểu về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, xã đã lắp đặt hệ thống đèn năng lượng chiếu sáng, góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn. 55 trụ đèn năng lượng mặt trời thực hiện có tổng kinh phí 180 triệu đồng, bên cạnh còn lắp pa-nô, trồng hoa, lát gạch vỉa hè đoạn đường chính vào trụ sở xã…
Nhân dân chung tay hoàn thiện các công trình trọng điểm của địa phương
Góp thêm công trình mới trên địa bàn, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xã Phú An đã hoàn thành mô hình “Vận động Nhân dân lắp đặt cột cờ tạo vẻ mỹ quan”. Theo đó, các hộ dân đã đồng thuận và đóng góp kinh phí để lắp đặt 100 cột cờ với chiều dài đoạn đường 3km. Xã Phú Xuân vừa tổ chức hoàn công thêm 2 công trình dân sinh để chào mừng 55 năm thành lập huyện Phú Tân. Đó là cầu liên ấp Phú Hạ - Phú Tây, kết cấu dây văng, cốt thép, kinh phí 400 triệu đồng và đường dân sinh từ lộ cũ ra lộ mới kênh Thần Nông được nâng cấp cải tạo, kinh phí 109 triệu đồng.
Nối tiếp khí thế của các địa phương, khi các xã lân cận đều đã đấu nối đường lộ sau, xã Long Hòa vận động người dân hiến đất làm đường để liền mạch giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa Cao Đình Hiệp, đường lộ sau có chiều dài 5km, ngang 6m, tổng 2 lề đường 3m và có 377 hộ dân có diện tích đất, vật dụng, kiến trúc trên tuyến đường này.
Địa phương đã tổ chức 3 lần phát phiếu lấy ý kiến và nhiều lần vận động từng hộ gia đình. Kết quả, có trên 98% hộ dân đồng ý hiến đất làm đường và di dời các vật kiến trúc. Bước kế tiếp, xã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, ra quân phát quang hình thành đường lộ thông thoáng, chuẩn bị cho việc thi công láng nhựa. Công trình này còn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đầu năm đến nay, huyện Phú Tân có 70 tập thể, 50 cá nhân đăng ký thực hiện mô hình trên các lĩnh vực. Trong đó, chiếm ưu thế là các lĩnh vực phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị - nông thôn, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, xã hội hóa các nguồn lực để Nhân dân cùng tham gia. Hiệu quả của “Dân vận khéo” đã tác động giúp người dân tự giác góp công, góp sức, góp tiền của… xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
HOÀI ANH