Phú Tân tiếp lửa cho nông dân đột phá trong sản xuất

13/01/2021 - 06:14

 - “Họp mặt lãnh đạo huyện gặp gỡ nông dân tiêu biểu” là chương trình cuối năm do Hội Nông dân huyện Phú Tân (An Giang) tổ chức, để nhà nông được trao đổi, trình bày những khó khăn, kiến nghị với các ngành chuyên môn, chính quyền cấp huyện. Dịp này, lãnh đạo huyện lắng nghe, giải thích, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, định hướng cho nông dân, tạo sự đồng thuận để cùng phấn đấu những mục tiêu năm mới cao hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí nhấn mạnh: “Đây là năm thứ 2 tổ chức họp mặt nông dân giỏi tiêu biểu cấp huyện, sẽ có thêm những lần tiếp theo. Huyện sẽ làm từng bước để ngày càng có nhiều nông dân giỏi với những mô hình chất lượng được nhân rộng”. Lắng nghe những tâm tư, kiến nghị từ nông dân, ông Ngô Thanh Trí chia sẻ, bao đời nay bà con sống gắn với mảnh vườn, ruộng lúa, kinh tế trọng điểm của huyện là nông nghiệp. Nông dân huyện Phú Tân làm ruộng rất giỏi, năng suất đã “đội nóc”, trong khi diện tích nông nghiệp ngày càng giảm bởi quá trình đô thị hóa và nhu cầu ở của người dân, chỉ còn cách phát triển tốt hơn là nâng chất lượng hạt lúa và chuyển dịch cây trồng.

Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp đang gặp khó đầu ra, do cơ chế thị trường và tập quán của người dân chưa chuyển biến. Vị thế địa lý, thiên nhiên dành cho huyện bất lợi trong phát triển công nghiệp, ngược lại, phù sa bồi đắp hàng năm giúp đất đai dinh dưỡng, màu mỡ. Xem xét những điều kiện khách quan và chủ quan, Huyện ủy Phú Tân đã ban hành Nghị quyết 11 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận động nông dân chuyển từ các loại đất tạp, đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Hiện nay, huyện Phú Tân chưa có hợp tác xã chuyên về cây ăn trái để làm “cánh tay nối dài” liên kết đầu ra của sản phẩm. Nông dân vì lo lắng điều này nên chưa chuyển nhiều, diện tích hiện còn manh mún, chưa tập trung.

Trao giấy khen cho các nông dân tiêu biểu năm 2020

Ông Trí cho biết, nhà nước đã có cơ chế để khuyến khích sản xuất các vùng chuyên canh, vì vậy đề nghị những hộ đã chuyển đổi phải mách bảo, đồng thuận mở rộng liền kề 30ha để được đầu tư chuyên vùng thủy lợi, như: vùng Bình Tây 2 (xã Bình Thạnh Đông) và vùng Phú Hiệp (thị trấn Chợ Vàm) đã làm trước. Về lâu dài, thành lập tổ hợp tác là điều cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn và sản xuất bền vững, tiến tới liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Năm 2021, UBND huyện Phú Tân kêu gọi nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, trong đó, bà con tự lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, đồng thời phải gắn với đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Trong khuôn khổ buổi họp mặt, Hội Nông dân huyện tổ chức cho các hội viên tham quan mô hình sản xuất hiệu quả và giới thiệu các mô hình tiêu biểu trong năm. Điển hình là vườn dâu tằm của ông Trần Văn Cượng (xã Phú Hưng), sau 3 năm phát triển vườn dâu tằm, sản phẩm đã được bình chọn là sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao của tỉnh. Với loại cây trồng từ phương xa, mới mẻ, ngoài sự cố gắng, ông Cượng còn ra sức học hỏi, tham gia các buổi tập huấn và tham quan mô hình hiệu quả ở các nơi khác. Đặc biệt từ những ngày đầu, gia đình ông được tư vấn, định hướng và hỗ trợ nhiều mặt của các ngành, các cấp, hội nông dân. Vùng trồng cây ăn trái ở thị trấn Chợ Vàm được ghi nhận với nhiều hộ tiên phong hiệu quả, như: ông Phan Huy Đức (ấp Phú Hiệp) trồng 2.000m2 cam sành, tổng thu hoạch 4,5 tấn, giá bán 20.000 đồng/kg, doanh thu 90 triệu đồng, lợi nhuận thu được tổng 60 triệu đồng/năm; ông Phan Ngọc Luyễn trồng 5.000m2 xoài cát Hòa Lộc, hiện đã có 2.000m2 cho thu hoạch, đạt sản lượng 9 tấn với giá bán 15.000 đồng/kg. So về lợi nhuận, trên 1.000m2, ông Luyễn thu về 85 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 17 triệu đồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến thông tin, hỗ trợ cho nông dân trồng cây ăn trái, năm 2020, ngành đã triển khai 5 lớp với 137 học viên, gồm: lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn VietGap, thiết kế vườn, kỹ thuật trồng bưởi da xanh… Bên cạnh đó, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình hiệu quả thực tế, hệ thống tưới nhỏ giọt, mô hình nhà màng trồng dưa lưới. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát vay lũy kế 157 hộ, tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng (tăng 999 triệu đồng so năm 2019); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát vay cho 2 tổ hợp tác trồng khoai cao và trồng kiệu hơn 1,7 tỷ đồng theo Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ.

Huyện Phú Tân đã và đang mời doanh nghiệp về giới thiệu, gặp gỡ nông dân, tìm hiểu sản phẩm và định hướng lựa chọn một số sản phẩm để ký kết bao tiêu ngay từ năm 2021.

MỸ HẠNH