Phun thuốc bằng… máy bay

22/04/2021 - 03:59

 - Dù chi phí đầu tư lớn nhưng phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng máy bay không người lái (Drone) giúp giảm đáng kể công lao động, giảm thất thoát 30% lượng thuốc, tiết kiệm 95-97% lượng nước và quan trọng hơn là hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nông dân.

Giảm thời gian và chi phí

Khi cơn dịch chuyển lao động trẻ lên các thành phố lớn làm việc diễn ra nhanh chóng, để lại nỗi “đau đầu” về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những thiết bị máy nông cụ hiện đại ra đời được xem là giải pháp tối ưu, nhằm giải quyết khó khăn về thiếu lao động chân tay trên đồng ruộng.

Để giải quyết bài toán xuống giống, máy sạ hàng, máy cấy lúa dần thay thế. Để giải quyết khâu thu hoạch, máy gặt đập liên hợp được sử dụng phổ biến. Đối với khâu bảo quản sau thu hoạch, những hệ thống lò sấy công suất lớn được tận dụng, nông dân bán trực tiếp lúa tươi thay vì phải cực công phơi nắng như trước đây…

Hội thảo trình diễn Drone tại xã Vọng Đông (Thoại Sơn)

Tuy nhiên, dù máy móc hỗ trợ được nhiều công đoạn nhưng với các công việc chăm sóc lúa, như: làm cỏ, khử lẫn, bón phân, phun thuốc BVTV… vẫn cần nhiều lao động chân tay. “Mỗi vụ lúa phải xịt nhiều cữ thuốc, chưa kể có dịch hại phải tăng số lần xịt lên. Nhà tôi canh tác 3ha đất, mướn 2 người xịt mất hơn nửa ngày, còn phải giám sát để đảm bảo họ xịt giáp đám ruộng. Lúa đang vô hột mà xịt thuốc, cây lúa bị giẫm xuống, chậm hồi phục, nhìn xót lắm. Thời buổi này, khi cần gấp, kiếm người xịt thuốc cũng không phải dễ” - nông dân Trần Văn Minh (xã Vọng Thê, Thoại Sơn) chia sẻ.

Đối với bài toán phun thuốc BVTV, việc sử dụng Drone (máy bay không người lái) như một cứu cánh. Nông dân Phan Thành Bắc (xã Vọng Đông, Thoại Sơn) cho biết, gia đình có hơn 5ha đất lúa, mỗi lần thuê người xịt thuốc rất khó khăn và mất nhiều thời gian nên ông đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng mua Drone, vừa sử dụng cho ruộng nhà, vừa làm dịch vụ phun thuốc BVTV thuê. Theo ông Bắc, nếu người vác bình xịt máy phải mất 2-3 giờ mới phun xong 1ha đất thì với Drone, chỉ tốn có… 8 phút.

“Từ khi đưa Drone vào đồng ruộng, giúp giảm nhiều nhân công, giảm chi phí mà năng suất lúa lại tăng lên. Chưa đầy 1 năm, tôi đã làm dịch vụ phun thuốc BVTV cho hơn 3.200ha lúa của bà con nông dân trong huyện. Với giá công phun xịt 180.000 đồng/ha, sau khi trừ hết các khoản chi phí, tôi đã thu hồi được vốn mua Drone ban đầu” - ông Bắc cho biết. Theo dự tính, ông Bắc sẽ đầu tư mua thêm 1 chiếc Drone để mở rộng dịch vụ phun thuốc BVTV.

Cần hỗ trợ nông dân

Công ty TNHH MTV Lương thực Ngọc Ánh (Thoại Sơn) là nhà phân phối, bảo dưỡng và đào tạo bay Drone cho Công ty Cổ phần Đại Thành. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lương thực Ngọc Ánh Cao Văn Tấn cho biết, hơn 1 năm qua, công ty bán 9 chiếc máy bay phun thuốc BVTV hiệu P-GLOALCHECK cho nông dân trong tỉnh. Do giá bán còn khá cao (từ 534-609 triệu đồng/máy) nên chủ yếu bán cho các nông dân có diện tích ruộng lớn, trước hết phục vụ ruộng nhà, sau đó làm dịch vụ phun thuốc BVTV.

Qua đánh giá thực tế, Drone có thể giảm thất thoát 30% thuốc BVTV trong phun xịt, giảm nhân công khoảng 20 lần, tiết kiệm 95-97% nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV như khi phun bình xịt nên hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.

Tính năng đặc biệt của Drone do Đại Thành cung cấp là máy đa năng không kén thuốc (dạng bột hòa tan, nước hay nhũ dầu), áp dụng công nghệ phun ly tâm đem lại độ chính xác cao. Hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ và mịn, giúp giảm thiểu lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt. Công nghệ phun ly tâm làm giọt nước xoáy tròn, giúp cho việc tiếp xúc sâu bệnh mặt dưới lá hiệu quả hơn, khả năng tập trung Drone để phun thuốc dập dịch nhanh.

Drone còn có khả năng phun thuốc ban đêm, phun thuốc chính xác với việc kiểm soát công nghệ phun trên máy bay, ứng dụng chẩn đoán dịch hại đồng bộ dữ liệu với máy bay để phun tự động vào khu vực có dịch hại. Khi sử dụng Drone, giúp giảm tổn thất từ 150-200kg lúa/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp.

Ông Võ Thanh Mạnh (Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông An Giang) cho biết, An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ 2 ở ĐBSCL, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất luôn được ngành nông nghiệp quan tâm. Đặc biệt, gần 2 năm nay, công nghệ máy bay không người lái phun thuốc BVTV trên lúa và cây ăn trái bắt đầu phát triển khá mạnh. Đây là hoạt động nằm trong dự án triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân trong tỉnh.

Dù tiện ích của Drone đã được chứng minh nhưng vấn đề đặt ra là giá Drone vẫn còn cao, nhiều nông dân khó tiếp cận. Để mở rộng diện tích phục vụ bằng Drone, cần có chính sách cho nông dân vay vốn hỗ trợ lãi suất hoặc đơn vị kinh doanh phối hợp ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân. Đó cũng là cách giải quyết bài toán thiếu nhân lực trong nông nghiệp hiện nay.

NGÔ CHUẨN