Khoảng 13 giờ, chợ đầu mối Long Xuyên, khu vực gần bến phà Ô Môi tấp nập xuồng ghe của những bạn hàng mang cá, tôm sông lên bán. Những thanh niên với cánh tay khỏe mạnh, làn da rám nắng nhanh nhảu xúc từng vợt cá lên cân cho bạn hàng bán tại chợ. Có khi, đó là những mớ cá lộn xộn chưa kịp phân loại và cũng có khi khoang ghe được lựa hàng ra mỗi thứ, như: Cá linh, cá chạch, cá thiểu, cá sặc, cá mè vinh, cá chốt, cá lòng tong, tôm, tép…
Cả một góc trời lại rộn ràng tiếng trò chuyện qua lại về số lượng cá, giá cả cùng sự mặc cả của chủ ghe và bạn hàng. Tất cả đã tạo nên một không khí sinh động của cảnh nhóm chợ vùng sông nước xưa, nơi mà trong ký ức người trải qua rằng cá linh, cá lộn xộn khi mua chỉ tính bằng sọt, người mua ước lượng mua bao nhiêu sọt là đem về ủ làm nước mắm.
Để rồi giờ đây, mỗi loại cá, mỗi con cá nhỏ đều phải cân trọng lượng, với mức giá cao hay thấp tùy vào chất lượng cá. Chị Tư (người hay ngồi bán cá tại chợ Mỹ Long) cho biết: “Nhà tôi phía bên cồn, khi kéo lưới được ít cá, tôi tranh thủ sang ngồi chợ để bán kiếm tiền. Ở xóm tôi đang sinh sống có nhiều người cùng làm nghề này, chịu khó chút xíu mang qua đây bán sẽ được giá hơn, cuộc sống cũng tốt hơn. Tuy có vất vả nhưng tôi đã quen với nghề này, thấy rất vui”.
Cá linh, loại cá rất đặc biệt chỉ vùng đầu nguồn như An Giang mới có nhiều. Còn nhớ những tháng lũ mới về, người thèm cá linh non đầu mùa phải mua với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg, còn giờ đây nguồn cá linh dồi dào, người thích ăn cỡ nào cũng có, chỉ với mức giá từ 40.000 - 70.000 đồng/kg tùy buổi chợ. Cá lòng tong có giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, cá lưỡi trâu 100.000 đồng/kg, cá chạch có giá từ 140.000 - 300.000 đồng/kg tùy kích cỡ lớn nhỏ, tép sông tự nhiên có giá khoảng 100.000 đồng/kg Các mức giá được bà nội trợ xem là rất rẻ, hợp túi tiền người dân trong thời điểm khó khăn này.
Cô Lâm Mỹ Phượng (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Vì có cháu nhỏ ở nhà, nên trong bữa cơm gia đình, tôi rất chú trọng lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn có nhiều dinh dưỡng, đủ chất cho cháu. Mỗi buổi chiều khi đi làm về, tôi hay ghé khu vực này để tìm mua các loại cá linh, cá lưỡi trâu về để cả nhà cùng làm cơm chiều. Cá linh nay thì đem kho lạt, ăn kèm bông súng, bông điên điển; hay có khi đem chiên giòn chấm mắm me. Cá lưỡi trâu mang về ướp muối rồi chiên lên, vậy là có bữa cơm ngon, đủ dinh dưỡng”.
Những món ăn dân dã, miền quê được mang ra phố, qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ chế biến đã trở thành những món ăn ngon, đậm vị khó quên. Là một kiến trúc sư đi học và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay, anh Lâm Thanh Văn (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết, bản thân ăn rất nhiều món ngon nơi phố thị, theo phong cách Việt - Nhật - Hàn, nhưng vẫn nhớ những món cá, ốc của vùng đất An Giang. Có hôm chịu khó đi chợ đầu mối ở thành phố, vẫn tìm thấy những món cá, ốc, nhưng không sao đầy đủ và ngon như quê nhà. Ngày trở về quê, anh được mẹ đãi món cá cơm chiên giòn mà thấy lạ lắm, cá nhỏ, giòn tan, ngon hơn hẳn.
Là một năm khá lạ, khi không khí lành lạnh đã xuất hiện nhiều ngày qua mà con nước vẫn đầy ắp tôm cá. Theo lịch chỉ chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên các chị em nội trợ nhân lúc cá, tôm đang rẻ đã tranh thủ làm thêm ít cá khô, tôm khô để ăn trong dịp Tết. Theo tính toán của các bà nội trợ, chỉ cần bỏ chút công sức để mua tôm, cá về làm sạch, phơi khô là có ngay những món tôm khô ăn kèm củ kiệu, khô cá lóc nướng, khô cá chạch chiên để “lai rai” ngày Tết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì chính gia đình chế biến, vừa rẻ. Điều giản dị ấy không phải nơi nào cũng dễ dàng có được.
Với những người không có điều kiện ăn nhà, đi ăn hàng quán những ngày này cũng rất thích thú khi chủ quán lên thêm “menu” với nhiều món sông nước, như: Cá linh chiên giòn chấm mắm me, cá chạch chiên giòn; lẩu cá linh ăn kèm bông súng, bông điên điển; cua đồng hấp sả, càng cua đồng rang muối, ốc lác, ốc đắng, ốc bươu… với mức giá bình dân.
Một thực khách đi ăn tại quán vịt xiêm 3 món Út Giang (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) khen: “Quán nào chịu khó bán những món ăn theo mùa vừa ngon, vừa rẻ, sẽ tạo được “điểm cộng” cho thực khách hơn. Chứ người đi làm ăn hàng quán, mà suốt ngày cơm phần với các loại thịt, các loại cá nuôi mãi cũng ngán. Lâu lâu được thay đổi khẩu vị sẽ thấy ngon hơn, không cần những món cao sang, mà hãy bình dân mang đặc trưng của địa phương thế này là quá tốt”.
Như một sự bù đắp của thiên nhiên, vì những năm trước kém nước, kém cá, năm nay người dân được mùa cá dài hơn, được thưởng thức “quà quê” mùa nước nổi nhiều hơn. Tất cả đã tạo nên phong vị quê nhà, gây thương nhớ không chỉ cho người bao năm gắn bó với An Giang và còn hấp dẫn du khách có dịp đến và thưởng thức các món đặc sản An Giang.
NGỌC GIANG