Quan tâm đào tạo nghề cho phụ nữ ở nông thôn

10/09/2020 - 05:13

 - Không chỉ dừng lại bằng việc tham gia học nghề, được cấp chứng chỉ, mà các học viên là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) còn được giải quyết việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học. Như vậy, vừa có thể nâng cao tay nghề, vừa giúp chị em có thêm được nguồn thu nhập, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình trong lúc nhàn rỗi.

Đến nay, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Mới đã mở được 10 lớp dạy nghề cho trên 270 lao động phụ nữ ở khu vực nông thôn, nhiều nhất là các nghề: đan giỏ nhựa, đan giỏ lục bình... Cụ thể, Hội LHPN xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp vừa hoàn thành xong các lớp đan các sản phẩm làm từ nguyên liệu nhựa. Đây là một trong những lớp học được mở thường xuyên tại địa phương. Sau khi học xong, các chị em được nhận sản phẩm về gia công tại nhà, tiền công thu theo sản phẩm, qua đó có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Sau 22 ngày theo học, lớp đan giỏ lục bình do Hội LHPN xã Kiến An phối hợp Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang tổ chức vừa kết thúc. Lớp học thu hút 27 học viên là các chị em phụ nữ làm các công việc nội trợ, chăm sóc con nhỏ... Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Kiến An Nguyễn Thị Thúy Hằng, trước khi mở các lớp dạy nghề, hội đã đi khảo sát nhu cầu việc làm của chị em hội viên. Điều chị em cần làm là khi học nghề xong, phải có được sản phẩm để gia công, chỉ có như vậy mới không uổng phí thời gian theo học.

“Điều đáng mừng là lớp học đã kết nối được với 1 cơ sở ở Đồng Tháp, họ giao khung, nguyên liệu cho chị em gia công, tiền công dao động từ 10.000-15.000 đồng/giỏ. Hiện nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, đầu ra của cơ sở cũng hạn chế, nên sản phẩm giao về cho chị em giảm rất nhiều. Tuy nhiên, nếu tình hình ổn định hơn, đầu ra của các sản phẩm ổn định hơn thì chị em phụ nữ sẽ tiếp tục nhận sản phẩm về để gia công, cải thiện thu nhập” - chị Hằng giải thích.

Do di chứng bị sốt lúc nhỏ, đôi tay của chị Trần Thị Tuyền (ấp Thị 1, xã Hội An, Chợ Mới) không được khỏe mạnh như người bình thường, nên chỉ phù hợp với những công việc không đòi hỏi phải dùng nhiều sức. Mới đây, khi được nghe thông báo chiêu sinh từ Hội LHPN xã, với lớp học đan giỏ lục bình, chị Tuyền đã đăng ký ngay.

“Trước giờ mình rất thích công việc đan đát, nhưng thích nhất là đan giỏ lục bình, bởi vậy khi nghe nói có lớp là đăng ký học ngay. Vừa đúng ngay nghề mình yêu thích, học xong còn được nhận sản phẩm về gia công, kiếm thêm thu nhập nên không chỉ riêng mình mà chị em ở địa phương ai cũng phấn khởi” - chị Tuyền chia sẻ.

Đến với lớp học, học viên được giáo viên giới thiệu, hướng dẫn các công đoạn để hoàn thành sản phẩm giỏ lục bình hoàn chỉnh. Được học từ những vấn đề cơ bản nhất đến nâng cao, thời gian học cũng tùy thuộc vào mức độ từ dễ đến khó của những mẫu giỏ được hướng dẫn tại lớp học. Do yêu thích công việc này, có năng khiếu nên dù tay có yếu nhưng chị Tuyền học rất nhanh, thành phẩm giỏ cũng rất đẹp.

Giờ đây, sau thời gian làm công việc tạp vụ buổi sáng, về nhà cơm nước cho gia đình xong là chị Tuyền bắt tay ngay vào việc đan giỏ. Chỉ mất 1 buổi chiều, chị Tuyền có thể làm xong được 2 giỏ, tiền công nhận được là 12.000 đồng mỗi cái. “Mình biết rằng, cái nghề này không làm giàu có được nhưng sẽ giúp nhiều chị em phụ được tiền chợ, tiền điện, tiền cho con đi học... cũng đỡ lắm đó” - chị Tuyền bày tỏ.

Với công việc đan giỏ, ai cũng có thể làm được, làm nhiều thì tay nghề càng thành thạo, làm càng nhanh. Với nhiều chị em, công việc này tiện ở chỗ là có thể làm tại nhà, nên có thêm thời gian chăm sóc con cái, lo cơm nước cho gia đình lại có thể kiếm thêm thu nhập, góp phần cải thiện kinh tế mỗi ngày.

Đây là điều mà những lao động ở nông thôn, đặc biệt là đối tượng phụ nữ vẫn luôn mong muốn. Theo Hội LHPN xã Hội An, trước khi mở các lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ ở địa phương, hội đều liên kết với Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang để mời giáo viên hướng dẫn. Đồng thời, tìm đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để học viên tham gia học nghề xong sẽ có việc làm ngay.

“Lớp học mở ra đáp ứng nhu cầu học nghề của chị em phụ nữ ở địa phương, là những lao động nhàn rỗi, nội trợ,... muốn kiếm thêm thu nhập. Trước đó, hội thông báo khi học xong có cơ sở cung cấp hàng cho gia công nên chị em rất hào hứng. Bây giờ, trước khi mở lớp học phải tính được đầu ra cho các sản phẩm thì mới mong thu hút được học viên. Hiện nay, do nhu cầu của chị em còn nhiều nên sắp tới sẽ mở thêm 1 lớp dạy nghề đan giỏ lục bình tại địa phương” - Chủ tịch Hội LHPN xã Kiến An Nguyễn Thị Thúy Hằng thông tin.

ÁNH NGUYÊN