Rộng cửa thị trường xuất khẩu

10/10/2018 - 07:37

 - Bằng nhiều nỗ lực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng của An Giang đạt trên 600 triệu USD, tăng 3,29% so cùng kỳ năm 2017. Với thị trường dự báo thuận lợi, nguồn hàng hóa được chuẩn bị dồi dào, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể ở mức 840 triệu USD, đạt kế hoạch đề ra.

Phát huy thế mạnh lúa, cá

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết, gạo vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của An Giang. Ngay từ những tháng đầu năm 2018, tình hình XK gạo có tín hiệu khởi sắc nhờ nhu cầu từ các thị trường truyền thống như: Philippines, Malaysia, Singapore, Ghana, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. 9 tháng của năm 2018, ước XK gạo đạt 319.380 tấn, tương đương 161,85 triệu USD, đạt 64,74% kế hoạch năm, tăng 18,42% về lượng và 29,93% về kim ngạch so cùng kỳ 2017.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh về lượng và giá trị

Theo ông Nam, từ nay đến tháng 12-2018, XK gạo tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Trong đó, Philippines tổ chức đấu thầu mở nhập khẩu (NK) 250.000 tấn gạo để bình ổn giá gạo nội địa, lượng gạo này dự kiến cập cảng Philippines vào tháng 11-2018. Hàn Quốc cũng mở thầu mua thêm 92.783 tấn gạo lứt hạt trung và dài vào ngày 3-9, giao hàng từ 30-11 đến 31-12-2018. Indonesia và các nước Châu Phi đang có nhu cầu NK ở các tháng cuối năm để đối phó với sản xuất suy giảm do bão lũ. Đối với quốc gia XK gạo mới nổi như Campuchia, do ảnh hưởng lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7-2018 đến nay, có thể khiến sản lượng lúa ở đất nước này sụt giảm đáng kể. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) An Giang tiếp cận những thị trường NK truyền thống của Campuchia nhưng phải chú ý vào mặt hàng gạo cao cấp. Với diễn biến thị trường cuối năm thuận lợi trong khi dự báo năng suất, sản lượng lúa vụ thu đông trên địa bàn tỉnh sẽ tăng, XK gạo cả năm 2018 có thể đạt 493.000 tấn, tương đương 250 triệu USD, tăng 14% về lượng và 20% về kim ngạch so năm 2017.

Đối với thủy sản, từ đầu năm đến nay, Châu Á vẫn là thị trường có kim ngạch XK chiếm tỷ trọng trên 50% trong tổng lượng XK trực tiếp. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có kim ngạch chiếm tỷ trọng cao nhất và đây cũng là thị trường rất khó dự đoán vì sự không ổn định. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Trung Quốc khá cao trong thời gian qua, cùng với nguồn cung ít, giá cá nguyên liệu tăng, giá XK tăng tương ứng làm tăng giá trị XK thủy sản trong những tháng qua. Ước 9 tháng, XK thủy sản đạt 88.790 tấn, tương đương 213,36 triệu USD, đạt hơn 79% hoạch năm 2018. So cùng kỳ 2017, tuy XK thủy sản chỉ bằng 97,47% về lượng nhưng tăng đến gần 24% về kim ngạch.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam dự báo, XK trong thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Từ ngày 1-7-2018, Trung Quốc đã chính thức giảm thuế NK từ 2 - 10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, thuế NK fillet cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%, tạo cơ hội để DN XK vào thị trường này. Bên cạnh đó, các DN sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản 2 nước Việt Nam - Trung Quốc đã đề nghị Hải quan cửa khẩu Hà Khẩu cải tiến cách thức thông quan hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam NK chính ngạch qua cửa khẩu này thuận tiện để tận dụng kết cấu hạ tầng đã được 2 nước đầu tư (đường giao thông vành đai Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và hệ thống chợ đầu mối) nhằm tạo điều kiện đưa hàng nông, thủy, sản của Việt Nam đến với TP. Côn Minh (tỉnh Vân Nam) nói chung và thủy sản nói riêng được thuận lợi, không phải qua các cửa khẩu khác (Nam Ninh, Bằng Tường, Quảng Tây) dẫn đến đội giá nhập, giá bán cao.

Trong khi thị trường Trung Quốc thuận lợi thì XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như: EU, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm. Thời gian qua, các DN đã tập trung phát triển các thị trường mới, điển hình là các nước Châu Á. Đây là cách ứng phó linh hoạt và dịch chuyển hợp lý trong bối cảnh chung. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng ở các nước để phục vụ cho các dịp lễ, hội cuối năm sẽ thúc đẩy giá trị XK tăng. Ước cả năm 2018, XK mặt hàng thủy sản đạt 118.000 tấn, tương đương 270 triệu USD, tăng 14% về lượng và 20% về kim ngạch so năm 2017.

Đối với mặt hàng may mặc (quần áo, ba lô), từ đầu năm đến nay, Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất. 9 tháng của năm 2018, XK đạt 80,95 triệu USD, đạt 73,59% kế hoạch năm, tăng 4,06% so cùng kỳ 2017. Theo Sở Công thương, thời điểm quý III và quý IV là cao điểm xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa thu - đông, tạo cơ hội để dệt may gia tăng XK. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm gia tăng cơ hội XK hàng may mặc vào Mỹ mà lâu nay Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Dự đoán XK hàng may mặc qua thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng và chiếm tỷ trọng cao trong thời gian tới. Ước cả năm 2018, xuất may mặc đạt 110 triệu USD, tăng 9% về kim ngạch so cùng kỳ…

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích