Sản phẩm “nhà làm”, “nhà trồng” lên ngôi

24/04/2019 - 07:41

 - Gần đây, khi tình trạng thực phẩm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày thiếu sự an toàn, xã hội bắt đầu hình thành xu hướng tiêu dùng mới, chọn thực phẩm “nhà làm”, “nhà trồng” để tìm mua.

 Từ rau, trái cây “nhà trồng”

Gia đình bà Võ Thị Lệ (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) có 3 công đất chuyên trồng rẫy, những loại rau, cải được chọn trồng là: cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách, bò ngót, rau muống, cải trời… cùng nhiều loại rau khác. Khu đất khoảng 3.000m2 được chia thành nhiều khu vực, mỗi nơi trồng 1 loại rau, trồng luân phiên từ tháng này sang tháng khác. Các loại rau, cải do bà Lệ trồng không giống những người khác, bà chỉ bón phân dơi, phân chuồng, tuyệt đối không dùng phân hóa học để bón, vì vậy, bà con hàng xóm xung quanh đã chọn mua rau, cải do bà Lệ trồng làm thực phẩm cho gia đình. Rau, cải được mua về để trong tủ lạnh 2-3 tuần mà vẫn tươi xanh, không bị úa vàng, hư hỏng. “Rau nhà bà Lệ trồng ăn rất ngon, do không bón phân hóa học, phun xịt thuốc có kiểm soát, vì vậy mua về ăn rất an tâm. Các loại cải trời, cải bẹ xanh mua về có thể để trong tủ lạnh một thời gian dài mà vẫn không bị hư, úa, từ đó bà con hàng xóm rất thích mua để chế biến món ăn trong gia đình” - chị Nguyễn Thị Mạnh (người hàng xóm của bà Lệ) thông tin.

Người tiêu dùng rất chuộng xoài VietGAP

Về giá cả, thời điểm tháng 4-2019, cải bẹ xanh ở chợ bán giá 12.000 đồng/kg, rau ở vườn nhà bà Lệ bán có giá cao hơn, khoảng 16.000-20.000 đồng/kg nhưng không đủ hàng để bán. Đa phần các loại rau của vườn bà Lệ trồng bán cao hơn giá thị trường khoảng 30-40% nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua, vì an toàn cho sức khỏe. “Tôi ở Long Xuyên nhưng phải đặt hàng, mua rau nhà bà Lệ để mang về ăn, vì tôi tin chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Không những gia đình tôi mà nhiều gia đình khác mua rau bà Lệ trồng vì không phải lo trong rau có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất” - chị Nguyễn Thị Hoa (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Ở Thoại Sơn có gia đình bà Lệ chuyên trồng rau sạch, rau an toàn để bán cho những khách hàng “thân quen”, ở xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) có gia đình ông Trần Văn Triều, một nông dân chuyên trồng xoài thơm (một loại xoài đặc sản của vùng đất đầu nguồn) để bán cho người tiêu dùng khắp cả nước. Nhiều người chọn mua xoài nhà ông Triều vì trái xoài không có chất kích thích, không có chất tăng trưởng. Hàng năm, cứ độ vào mùa gió bấc, trên bảng ghi chép của ông Triều, danh sách những người đặt mua xoài thơm vườn nhà cứ dài ra. Nào là anh Ba Tuấn  (TP. Châu Đốc) đặt mua 20kg, chị Nhài (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân) 50kg, anh Yên (xã Phước Hưng, An Phú) 40kg… Đa phần khách hàng đặt mua xoài của ông Triều vừa để ăn, vừa để biếu, vì đây là xoài đặc sản, được trồng theo phương pháp an toàn. “Xoài cát Hòa Lộc vào mùa Tết 2019 vừa qua, các nhà vườn bán với giá khoảng 35.000 đồng/kg, riêng xoài của ông Triều bán giá 50.000 đồng/kg nhưng rất nhiều người đặt mua trễ là không có hàng” - anh Trần Văn Yên (xã Phước Hưng) thông tin.

Đến thực phẩm “nhà làm”

Sản phẩm “nhà làm”, “nhà trồng” đang lên ngôi vì có lượng khách hàng rất lớn, sản phẩm làm ra không sợ “ế”, giá cả thường cao hơn sản phẩm cùng loại từ 30-40%. Những sản phẩm này hiện nay chiếm được niềm tin của khách hàng, vì tính an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện ở TP. Long Xuyên, không cần quảng cáo, sản phẩm khô bò Như Ngọc của chị Sáu Ngọc (phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) làm ra không đủ bán, vì sản phẩm ngon, chất lượng, mẫu mã bao bì bắt mắt. Chị Sáu Ngọc làm khô bò, khô heo cách đây 6 năm, khách hàng của chị đa phần là người thân hoặc đã sử dụng sản phẩm khô bò ít nhất 1 lần. Chị Ngọc lấy thịt bò có nguồn gốc từ Tri Tôn (loại bò cỏ), vì vậy khi làm ra sản phẩm, khô vừa mềm, vừa có mùi thơm rất đặc trưng. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, khách hàng cả nước đã đặt mặt hàng khô của chị Sáu Ngọc trên 100kg.

Chị Sáu Ngọc giới thiệu sản phẩm cho khách hàng

Cùng là nguyên liệu thịt bò, thịt heo nhưng chị Sáu Ngọc đã chế biến ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, nào là khô bò lá chanh, khô heo lá chúc hoặc khô bò có ướp củ riềng… khi ăn vào là biết sản phẩm làm ra từ vùng núi, đặc sản nên rất hấp dẫn thực khách. “Năm nào em cũng xuống An Giang viếng Bà Chúa Xứ núi Sam. Khi đi cúng xong, em ghé ngang Long Xuyên mua khô bò lá chúc, lá chanh về để sử dụng trong gia đình. Sản phẩm tuy giá cao hơn các sản phẩm khác hiện có trên thị trường, nhưng đảm bảo sức khỏe, không lo có chất bảo quản, khi sử dụng rất an tâm” - chị Phan Thị Thanh (ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh) thông  tin.

 Bài, ảnh: MINH HIỂN