Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ở An Giang tăng trưởng tích cực

17/10/2023 - 23:19

 - 9 tháng qua, sự chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh An Giang đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất - kinh doanh (SXKD) để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, từng bước phục hồi nền kinh tế. Nhìn chung, hoạt động SXKD của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh dần ổn định và phát triển.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản phục hồi, phát triển; các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, do sức mua chung của thị trường vẫn còn thấp nên một số DN hoạt động trên lĩnh vực thủy sản, sản xuất da giày, bao bì… tạm thời bị thu hẹp, vì đơn hàng còn ít”.

 Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu

Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, các cấp, ngành đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp mở rộng các cụm, khu công nghiệp, xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi cho DN tổ chức lại sản xuất, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, các chương trình khuyến công... được các cấp, ngành khẩn trương thực hiện, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước khởi sắc.

Thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ diễn ra sôi động, doanh thu bán hàng tiếp tục tăng qua từng mốc thời gian cụ thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng của năm 2023 ước đạt 63.652 tỷ đồng, tăng 16,67% so cùng kỳ và đạt 61,23% kế hoạch năm (103.950 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.624 tỷ đồng, tăng gần 16% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ đạt 20.028 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ.

Ngành công thương và các DN chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Ông Nguyễn Minh Hùng thông tin: “Hàng hóa thiết yếu tại An Giang đảm bảo đủ cung ứng cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Các DN tăng cường thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn với giá cả hợp lý, nhằm thu hút khách hàng mua sắm nhiều hơn tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Các chương trình hàng Việt về nông thôn cũng được đẩy mạnh, nhằm phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để mọi người có thể tiếp cận hàng hóa chất lượng, với giá cả hợp lý. Hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra mạnh mẽ, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm, DN của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy giao thương hàng hóa”…

Xuất khẩu khởi sắc

Theo Sở Công Thương An Giang, thị trường 9 tháng của năm 2023 biến động không ngừng do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới tăng giảm bất thường. Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp (gạo và rau quả) tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ nền kinh tế khi kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng khả quan.

Trong đó, mạnh nhất phải kể đến là mặt hàng gạo, do nhu cầu tiêu dùng và an ninh lương thực nên các quốc gia trên thế giới đã gia tăng nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản có sự chuyển biến tốt, tạo được bức tranh tươi sáng dù vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 9 tháng qua tiếp tục tăng trưởng so cùng kỳ và đạt kịch bản. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.037 triệu USD, tăng trên 3% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 889 triệu USD, tăng 3,24% so cùng kỳ và đạt gần 76% kế hoạch năm (1,1 tỷ USD). Thị trường gạo chiếm tỷ trọng cao nhất là: Châu Á (Trung Quốc, Malaysia, Singapore…), Châu Phi (Ghana…), Châu Âu (Pháp, Đức, Bồ Đào Nha…), Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Brazil…) và Châu Đại Dương. Thị trường xuất khẩu rau quả đông lạnh: Malaysia, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Canada, Thụy Điển… Hàng may mặc (quần áo, túi xách) thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Bỉ, Trung Quốc…

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,78 tỷ USD, giảm 7% so cùng kỳ. Trong đó, xuất, nhập khẩu đăng ký tại An Giang trên 719 triệu USD, giảm 8% so cùng kỳ.

Khó khăn vẫn còn

Phải nhìn nhận, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sức mua của người tiêu dùng giảm, kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm, tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm của người dân tại một số thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU)... đã làm sức tiêu thụ cá tra chậm, đơn hàng mới giảm 10 - 15%; lượng tồn kho tăng dù Trung Quốc mở cửa trở lại nhưng khách hàng không đặt hàng nhiều như kỳ vọng.

Các DN ngành hàng may mặc, sản xuất da giày sụt giảm các đơn hàng, dẫn đến công nhân bị giảm giờ làm, chỉ hoạt động 1/2 thời gian trong tháng hoặc bị cắt giảm nhân sự. Điều này đã khiến kết quả hoạt động SXKD của các DN ngành hàng may mặc bị chững lại.

Bên cạnh đó, DN tận dụng ưu thế hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu còn hạn chế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU. Do đó, đối với thị trường EU, nông sản xuất khẩu của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số DN xuất khẩu gạo và thủy sản hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào...

Để tạo thuận lợi cho DN phục hồi và phát triển SXKD, thời gian tới, ngành công thương An Giang tăng cường các hoạt động hỗ trợ SXKD, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023.

HẠNH CHÂU