Cánh đồng sản xuất nếp thơm được bao tiêu của ông Lê Công Hầu
Ông Nguyễn Minh Lương (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) đã hiện thực ý định trồng lúa sạch từ cuối năm 2018. Ông Lương cho biết, bản thân ông đã có thâm niên trồng lúa hơn 40 năm, so với ngày trước, lúa sản xuất hiện nay đầu ra khó khăn hơn. Mặt khác, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, nên việc sản xuất chạy theo số lượng không còn quan trọng nữa mà cần chú trọng chất lượng. Vì vậy, sau khi thử nghiệm 2 công đất trồng lúa sạch, ông chuyển toàn bộ 80 công đất đang sở hữu để trồng lúa theo phương pháp hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, chỉ bón phân sinh học có lợi cho môi trường đồng ruộng.
Để có đầu ra ổn định, ông Lương kết nối các nguồn tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây còn liên kết với Nông trại Ếch Ộp giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Ông Lương cho biết, phương pháp trồng hữu cơ không chỉ sản xuất ra gạo sạch an toàn phục vụ người tiêu dùng, mà chi phí sản xuất cũng nhẹ hơn trước, bình quân chỉ tốn hơn 1 triệu đồng/công. Dù hiện tại, đầu ra của gạo sạch chưa rộng mở, lợi nhuận thu về chưa cao nhưng ông kiên định phương pháp này, đồng lời thu được bao nhiêu đều đầu tư tiếp cho vụ tới, bởi tiêu chuẩn sạch đang là xu thế để cạnh tranh, tạo lòng tin đối với khách hàng.
Lọt thỏm giữa vùng chuyên canh nếp, những hạt gạo sạch mang thương hiệu của Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Phú Thạnh (Phú Tân) đang nỗ lực khẳng định chất lượng vươn ra thị trường. Sản xuất lúa chất lượng cao là hướng đi mà HTXNN Phú Thạnh lựa chọn để đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm nhằm đảm bảo hoạt động ổn định và doanh thu tốt. Đây đồng thời là hướng sản xuất được địa phương khuyến khích bên cạnh chuyển đổi các cây trồng có giá trị kinh tế cao để giảm dần diện tích sản xuất nếp. Giám đốc HTXNN Phú Thạnh Trần Văn Lô Ba cho biết, đầu ra của gạo an toàn Phú Thạnh hiện nay chủ yếu là bán tại cửa hàng nông sản an toàn, cửa hàng của HTX, thông qua các hội chợ để quảng bá hình ảnh. Năm nay là năm thứ 2 HTXNN Phú Thạnh sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 10ha; sản phẩm gạo an toàn Phú Thạnh được sản xuất tuân thủ theo quy trình khép kín, được kiểm định, đo lường dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thành phần dinh dưỡng và đóng gói thành phẩm… đang được người tiêu dùng dần biết đến và ưu tiên lựa chọn.
Cây lúa nếp ở vùng chuyên canh Phú Tân cũng không ngoại lệ. Năm nay là vụ đầu tiên ông Lê Công Hầu (ở xã Bình Thạnh Đông) trồng nếp thơm thay thế nếp thường với diện tích 2.000m2. Giống nếp mới không chỉ nhiều ưu điểm về chất lượng, mà còn phải trồng theo kỹ thuật đảm bảo an toàn theo đặt hàng của doanh nghiệp. Theo ông Hầu, giống nếp thơm cho chất lượng hạt tốt, ít bị đổ ngã, kháng sâu bệnh hơn hẳn nếp thường, sử dụng phân, thuốc rất ít và phải thuộc thành phần sinh học an toàn. Bên cạnh đó, giống nếp thơm có thời gian sinh trưởng ngắn ngày hơn, công ty cung cấp giống ban đầu và ký hợp đồng bao tiêu nên ông rất an tâm về đầu ra. Năng suất nếp đạt từ 900-930kg/công, cao hơn nếp thường 100kg, sau khi trừ chi phí còn lời 25-30 triệu đồng/ha. Theo ông Hầu, giống nếp thơm được một số nông dân trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông thử nghiệm khả quan, trong đó có nhiều hộ đã trồng hiệu quả qua nhiều vụ liên tiếp, riêng ông đang tiếp tục chuyển đổi hơn 3.000m2 diện tích nếp thường sang nếp thơm.
Khởi điểm của người trong cuộc tuy ban đầu còn nhỏ lẻ, đầu ra khiêm tốn khi chưa có sự kết nối rộng mở với khách hàng nhưng được xem là những ý tưởng gợi mở đáng trân trọng. Vì một nền sản xuất lâu dài cho nông dân, thuận theo xu hướng sản xuất xanh, sạch, hữu cơ là điều cần thiết và định hướng phù hợp cho nông dân.
MỸ HẠNH