Thích ứng
Gia đình ông Trần Văn Thời (xã Phú Thạnh, Phú Tân) có 3ha đất chuyên trồng nếp, những năm gần đây, thời tiết cực đoan, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Mùa nắng vẫn có mưa nhiều, trong khi mùa mưa thì nắng ở nhiệt cao, từ đó làm năng suất nếp trong 3 năm nay đạt mức thấp, sản xuất (SX) bị thua lỗ liên tục. “Thời tiết bây giờ không còn tuân thủ theo một quy luật nào. Lúc nếp trổ bông thì mưa nhiều, từ đó bông nếp bị lép. Thời tiết bất thường nên tình trạng sâu bệnh gia tăng. Chi phí SX nhiều hơn những năm trước. Trước đây trong vụ đông xuân, mỗi công nếp (thời điểm nếp có giá) lãi ít nhất 2 triệu đồng, nay chẳng những không lãi mà còn bị thua lỗ triền miên…” - ông Thời chia sẻ.
Tùy vào thời điểm, nông dân trong tỉnh đang chuyển đổi mùa vụ cho phù hợp với thời tiết
Để thích ứng với tình hình thực tế, đầu năm 2016, trên diện tích 3ha đất của gia đình, ông Thời giữ lại 5 công đất để trồng nếp, số còn lại chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ngoài số đất của gia đình, ông còn vận động nhiều hộ khác tham gia trồng bưởi xuất khẩu. Ông Thời đã cùng bà con nơi đây ký hợp đồng với một công ty chuyên xuất khẩu bưởi ở Bến Tre để có đầu ra ổn định. Khi ký hợp đồng, ông Thời và bà con được hướng dẫn kỹ thuật trồng và được cung cấp các loại phân bón. “Trong tình hình BĐKH như hiện nay, chúng ta không thể trồng mãi một loại cây mà phải chuyển đổi, thích ứng phù hợp. Tôi đã đến các vùng: Lai Vung (Đồng Tháp), Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) hay ở Thạnh Mỹ Tây, (Châu Phú), ND nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, cho hiệu quả kinh tế rất cao. Trong bối cảnh BĐKH, thích ứng là điều ND nên suy nghĩ và nên làm để đạt được hiệu quả trong SX…” - ông Thời khẳng định.
Tuân thủ
“Ngoài thích ứng thông qua việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong SX lúa hay nếp, người SX cần tuân thủ lịch thời vụ xuống giống. Bởi hiện nay, do thời tiết cực đoan, mưa trái vụ làm cho sâu bệnh phát triển rất nhiều, vì vậy tuân thủ lịch thời vụ sẽ hạn chế tình trạng sâu bệnh, trong đó có rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá…” - ông Đặng Văn Tây (ND xã Tân Lập, Tịnh Biên) chia sẻ. Ông Tây là một trong những ND SX giỏi của tỉnh. Những năm qua, ngoài tuân thủ lịch thời vụ, bản thân ông còn vận động nhiều ND khác tham gia vào tổ liên kết SX, tổ chức ký kết với doanh nghiệp để thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”, từ đó sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ SX luôn ổn định.
Cá chết hàng loạt đã từng xảy ra trong những năm qua
Nếu ở Tịnh Biên, ND trồng lúa tuân thủ lịch thời vụ cùng những khuyến cáo của chính quyền và ngành nông nghiệp thì ở TX. Tân Châu, ND các xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Tân An ngoài trồng lúa, ND đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như: xoài thơm Vĩnh Hòa, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, bưởi da xanh… Trên lĩnh vực thủy sản, ND tham gia chương trình chuỗi cá tra 3 cấp. “SX trong bối cảnh hiện nay, nếu không tuân thủ những khuyến cáo của địa phương thì rất nguy hiểm, bởi đầu ra cho sản phẩm là quan trọng. Tôi tham gia chương trình SX cá tra giống 3 cấp vì chương trình này có đầu ra ổn định…” - ông Phan Văn Lắm (ND xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Thích ứng với thời tiết cực đoan, thích ứng với kinh tế thị trường là một trong những việc mà ND cần làm. Bởi, có thích ứng thì hiệu quả SX mới cao, sản phẩm làm ra mới có nơi tiêu thụ ổn định, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro.
“Để SX được thuận lợi trong bối cảnh BĐKH hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL cần thực hiện tái cơ cấu lại SX theo hướng phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng vùng. Cụ thể, vùng ven biển thường gặp phải tình trạng xâm nhập mặn, vùng này thay vì cứ chạy theo trồng lúa thì chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm cho phù hợp. Chúng ta có thể định hướng cho ND trồng các loại cây ăn trái khác để xuất khẩu. Trong nuôi trồng thủy sản, không chỉ có thủy sản nước mặn mà phải đa dạng hóa, trong đó có thủy sản nước ngọt và nước lợ…” - GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo.
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN