Sẽ xử lý một số đơn vị vi phạm đóng BHXH theo Luật Hình sự để làm gương

29/01/2018 - 08:20

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Quân, giải pháp hình sự là giải pháp cuối cùng để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật.

Giao dịch BHXH tại Nam Định. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Quân, hiện đã có các quy định xử phạt vi phạm hành chính và cũng không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng BHXH. Bộ Luật Hình sự đưa vào xử phạt tù đối với những trường hợp gian lận, gian dối, dùng thủ đoạn.

Ông Lê Quân cho biết: Để triển khai các điều luật của Bộ Luật Hình sự về gian lận, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chúng ta đang chờ hướng dẫn thế nào là gian dối, thế nào là gian lận, dùng thủ đoạn. Như vậy, chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý giải thích rõ hơn. Giải pháp hình sự để xử lý những trường hợp để làm gương và đòi hỏi những biện pháp mạnh hơn trong việc tuân thủ pháp luật.

Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan như: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan khác xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai nội dung nêu trên của Bộ Luật Hình sự.

Đánh giá về quy định của Bộ Luật Hình sự trong vi phạm BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hộicho rằng, 3 điều luật này ra đời thì việc tuân thủ Luật BHXH của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, biện pháp hình sự hóa là công cụ cuối cùng. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cần xây dựng Luật Tố tụng lao động để tất cả các mối quan hệ tranh chấp lao động sẽ đưa ra tòa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện nay có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.

Trước tình trạng vi phạm về đóng BHXH đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ khi đưa vào 3 Điều 214, 215, 216 trong Bộ Luật Hình sự và quy định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2018.

Theo đó, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ Luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BH thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Mức hình phạt cao nhất như chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Theo XM (Báo Tin tức)