Số hóa quản lý và quảng bá di sản văn hóa Óc Eo

29/03/2023 - 07:22

 - Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lưu giữ và quảng bá di sản văn hóa Óc Eo. Đây là việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn và quảng bá hiệu quả các di sản. Đồng thời, nâng cao tính khoa học, hiện đại, chính xác trong hoạt động bảo tồn…

Ứng dụng công nghệ thông tin

Di sản văn hóa Óc Eo được phát hiện và khai quật tại thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) năm 1944 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Loius Malleret. Từ khi phát hiện đến nay, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu và quản lý đã khảo sát, khai quật nhiều hiện vật quan trọng, đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hiện nay, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác lưu giữ, quảng bá di sản văn hóa Óc Eo.  Đây là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không để các di sản bị hư hỏng do tác động của con người, khí hậu và thời gian…

Thuyết minh tự động thông qua mã QR được triển khai tại các điểm di tích, nhà trưng bày

Hiện nay, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đang giữ gìn khoảng 12.000 hiện vật. Các hiện vật được số hóa dưới dạng hình ảnh, tư liệu, được lập danh mục và kiểm kê, bảo quản định kỳ, lưu giữ tại kho hiện vật. Việc kiểm kê được thực hiện thông qua nhập và theo dõi tại danh sách lưu giữ trên máy tính.

Ngoài ra, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo còn lắp đặt 20 camera giám sát tại các di tích: Gò Cây Thị A, Gò Cây Thị B, di tích Nam Linh Sơn, Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo và kho bảo quản hiện vật để đảm bảo công tác giám sát an ninh.

Đặc biệt, việc thuyết minh tự động thông qua mã QR được triển khai tại các điểm di tích, nhà trưng bày. Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và Bảo tàng Lê Thị Hậu cho biết, việc triển khai xây dựng mã QR được triển khai từ năm 2020, đưa vào sử dụng từ năm 2021.

“Sau những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc và một số bảo tàng lớn trong nước, nhận thấy việc triển khai thuyết minh tự động bằng mã QR phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng hiện nay. Do đó, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo mạnh dạn triển khai tại các địa điểm khảo cổ, nhà trưng bày” - bà Hậu chia sẻ.

Theo bà Hậu, mỗi di tích đều có mã QR riêng. Các nhóm hiện vật cũng được tạo mã QR. Qua đó đem lại sự tiện lợi cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của khách tham quan, du lịch. Hiện, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã bổ sung 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp và audio giới thiệu được thực hiện thông qua quét mã QR…

Mặt khác, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo còn tăng cường quảng bá hình ảnh các hiện vật, di chỉ trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin trực tuyến của đơn vị. Đơn vị thường xuyên đăng tải tin tức sự kiện, các bài viết nghiên cứu trên Facebook, Zalo và cổng thông tin điện tử… để bạn đọc tiếp cận.

Ngoài ra, công tác lưu trữ cũng được Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo triển khai thực hiện. Việc quản lý, bảo quản hiện vật và di tích được thực hiện nghiêm ngặt, tuân thủ các quy trình thẩm định, chỉnh lý hồ sơ, lưu giữ đảm bảo theo quy định của pháp luật. Hiện vật được theo dõi qua sổ danh mục hiện vật phân loại theo nguồn gốc, chất liệu, niên đại, loại hình...

Tiếp tục nâng chất

Từ việc ứng dụng công nghệ số cho hoạt động lưu giữ và quảng bá di sản văn hóa Óc Eo đã góp phần nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ số cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Du khách tham quan tại Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo

Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di sản, công tác phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo được Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đặt ra. Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh  tập huấn, bồi dưỡng đào tạo cho cán bộ, nhân viên đáp ứng đầy đủ chuyên môn về khảo cổ, văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, nắm bắt kịp thời và ứng dụng các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ. Đồng thời, cập nhật những xu thế mới, ứng dụng công nghệ số cho các điểm di tích văn hóa Óc Eo.

Mặt khác, Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo sẽ tiến hành số hóa tất cả các hiện vật và di tích, phục vụ công tác giữ gìn di sản văn hóa Óc Eo. Phục chế hiện vật bằng cách thực hiện quét máy 3D scanning và in 3D nhằm phục chế, tạo mô hình, phiên bản phục vụ việc nghiên cứu, giới thiệu hoặc làm sản phẩm quà lưu niệm cho khách tham quan.

Xây dựng các video để làm tư liệu lưu trữ và quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa Óc Eo trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài, Zalo, Facebook, cổng thông tin điện tử... Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra các thuyết minh tự động, giới thiệu về văn hóa Óc Eo với nhiều ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu du khách.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích