Nước lũ ảnh hưởng vườn cây ăn trái của một trong những hộ dân gửi đơn kiến nghị (ảnh chụp ngày 24/10)
Tháng 10/2022, nhận đơn từ Công ty TNHH sản xuất và thương mại Kim Trường Phát (xã Hiệp Xương) cùng các hộ ở xã Hiệp Xương, xã Phú Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND 2 xã trên, cùng các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát, kiểm tra thực tế. Theo đơn phản ánh, việc xả lũ vụ thu đông năm 2022 đã ảnh hưởng đến diện tích cây trồng của nhiều hộ dân, chủ yếu là cây ăn trái.
Kết quả rà soát theo Kế hoạch 4351/KH-UBND của huyện về chuyển đổi cây trồng vật nuôi giai đoạn 2021-2025, hộ chuyển đổi trong đơn phản ánh được phân 2 nhóm. Nhóm chuyển đổi trước khi huyện ban hành kế hoạch có 6 hộ, lần lượt chuyển đổi từ năm 2016 đến tháng 6/2021.
Cụ thể, hộ ông Trần Văn On (xã Phú Thành) có 9.000m2 đất trồng mít, na, sapoche, bị ảnh hưởng 800 cây trồng. Hộ ông Nguyễn Văn Chiều (xã Phú Thành) trồng cam, xoài, mít trên 8.000m2 đất, ảnh hưởng 550 cây. Ông Trần Văn Phường (xã Hiệp Xương) bị ảnh hưởng 800 cây na Thái.
Công ty TNHH Kim Trường Phát sản xuất trên diện tích 80.000m2, bị chết hàng ngàn cây nhỏ, cây đang cho trái; thiệt hại cá nuôi do ô nhiễm nguồn nước. Ông Phan Văn Thiệt (xã Phú Thành) bị thiệt hại 60.000 cây mít giống. Ông Trần Công Tâm (xã Phú Thành) bị ảnh hưởng hơn 500 cây mít. Riêng hộ ông Đào Văn Hồng (xã Phú Thành) thuộc nhóm chuyển đổi sau khi huyện ban hành kế hoạch, bị chết hơn 530 cây chanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, được sự thống nhất UBND tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện thực hiện sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Định kỳ, huyện luôn ban hành kế hoạch lịch thời vụ trước 1 năm để thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Tất cả 7 hộ dân đều biết việc thực hiện chủ trương trên, kể cả việc xả lũ vụ thu đông từ năm 2019 đến nay.
Trong quá trình triển khai, thực hiện, UBND huyện còn ban hành công văn về việc tăng cường bảo vệ sản xuất vụ hè thu và triển khai sản xuất vụ thu đông. Trong đó, yêu cầu các địa phương có diện tích xả lũ vụ phối hợp, thống nhất với các xã trong cùng tiểu vùng thông báo sớm, rộng rãi đến nông dân ý nghĩa, mục đích của việc xả lũ. Đồng thời, kiểm tra, không để phát sinh xuống giống màu trái vụ, diện tích trồng cây ăn trái ngoài quy hoạch, không có đê bao lửng bảo vệ…
Đặc thù tiểu vùng sản xuất Đông Bảy Bích là vùng trũng thấp. Các hộ dân xây dựng đê bao lửng chưa đảm bảo (hệ thống vùng bao, bờ bao cao trình thấp, nhỏ), hàng năm không được duy tu, nâng cao trình đê bao lửng. Việc lún tự nhiên kết hợp khối lượng đất làm đê bao lớn làm cho mức độ lún nhiều hơn so bình thường.
Qua kiểm tra, việc kiểm soát lũ vận hành cống vành đai và cống nội đồng thực hiện tốt, công tác đóng cống vành đai để đảm bảo sản xuất theo quy định. Thực hiện xả lũ, ngành nông nghiệp huyện đã tích cực chỉ đạo việc vận hành các cống dưới đê để điều tiết lũ, phối hợp kiểm tra thường xuyên, khuyến cáo, nhắc nhở người dân.
Các hộ dân đã xây dựng vườn trồng từ 2-6 năm, đều nằm ngoài vùng hỗ trợ đầu tư hạ tầng thủy lợi hoàn chỉnh, thuộc vùng dân tự chuyển đổi sang trồng cây ăn trái (6/7 hộ lập vườn trước khi ban hành kế hoạch của huyện). Riêng hộ ông Đào Văn Hồng mới lên vườn năm 2022. Tuy nhiên, vị trí vườn nằm ngoài vùng dân tự chuyển đổi cách đường tây kênh Thần Nông khoảng 300m (theo kế hoạch của UBND huyện thì vùng dân tự chuyển đổi cách đường tây kênh Thần Nông khoảng 100m).
Qua khảo sát của đoàn liên ngành, chỉ còn vườn của ông Trần Công Tâm không bị ngập, do được nông dân bảo vệ nên không bị thiệt hại nhiều (thiệt hại khoảng 175 cây mít trồng phía ngoài đê bao lửng). Còn các vườn còn lại của 6 hộ đều ngập nước và thiệt hại, hiện chưa ước được chính xác chi phí đầu tư và giá trị thiệt hại.
Về chủ quan, người dân cho rằng mực nước lũ những năm gần đây thấp, không có nước. Từ đó, dẫn đến việc quy mô đầu tư, hệ thống vùng bao, bờ bao cao trình thấp, nhỏ, không có biện pháp ứng phó kịp thời. Việc nâng cấp, duy tu nâng cao bờ bao hàng năm, công tác chuẩn bị điều kiện để ứng phó và chuẩn bị máy bơm chống úng chưa được quan tâm. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến diện tích cây trồng bị thiệt hại do xả lũ.
Về mặt khách quan, các cống dưới đê thuộc tiểu vùng Đông Bảy Bích đã được UBND xã Phú Thành chỉ đạo hợp tác xã tổ chức đóng hạn chế nước lũ vào đồng. Tuy nhiên, tiểu vùng này có nhiều cống tưới của tư nhân, nên việc đóng cống rất khó khăn trong mùa lũ, do không có hệ thống vít me, cửa van, cầu công tắc… Một phần mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng bão số 4 kết hợp với triều cường, trong khi nước nội đồng không tiêu thoát ra kênh tạo nguồn, người dân không đánh giá hết được lượng nước dâng, dẫn đến việc không ứng phó kịp thời.
UBND huyện Phú Tân đã và đang tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân để tuyên truyền, trao đổi, giải thích quy định của pháp luật có liên quan và giải quyết kiến nghị. Địa phương đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành tỉnh để khảo sát, đánh giá thiệt hại. Trong đó, nghiên cứu, xem xét hỗ trợ cho hộ dân theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại theo quy định.
Tiểu vùng Đông Bảy Bích có diện tích 1.106ha. Trong đó, diện tích của xã Hiệp Xương 169ha, Phú Thành 536ha, Hòa Lạc 401ha. Đây là một trong 20 tiểu vùng trong toàn huyện thực hiện sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Năm 2020, vụ thu đông, tiểu vùng được xả lũ/ngưng vụ và tiếp tục thực hiện năm 2022. Công ty TNHH Kim Trường Phát cũng như các hộ nông dân đều biết chủ trương sản xuất “2 năm, 5 vụ” và việc xả lũ của huyện từ năm 2019 đến nay. |
MỸ HẠNH