Sống khỏe nhờ hoa kiểng

21/12/2022 - 07:07

 - Trồng hoa, cây cảnh không chỉ tạo vẻ đẹp cho không gian sống, thư giãn tinh thần, mà thu nhập từ nghề này còn giúp nhiều hộ khấm khá, bất kể ở đô thị hay nông thôn.

Thu nhập từ hoa lan

Gắn bó với ruộng đồng mấy chục năm, anh Lý Văn Dũng (ngụ phường Long Sơn, TX. Tân Châu) trồng thêm vườn lan Mokara thư giãn. Chỉ sau 1 năm, hoa lan nở rộ đủ sắc màu, người dân hỏi mua ngày càng nhiều, anh mới nhận ra nhu cầu thị trường và quyết định “thử sức” với loại hoa này để phát triển kinh tế gia đình.

Giống Mokara được anh Dũng mua từ huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), trồng trên giá thể xơ dừa và vỏ đậu phộng. Tận dụng đất nhà và vườn cặp ruộng, từ 1.000 cây ban đầu, nay anh sở hữu 7.000 cây lan Mokara đủ màu đỏ, vàng đồng, trắng, hồng… Hoa được thu hoạch mỗi ngày hàng trăm cành, cung ứng chủ yếu cho cửa hàng hoa trên địa bàn TX. Tân Châu và số ít bán lẻ cho người dân có nhu cầu.

“Hồi trước, tôi chọn trồng giống hoa này vì thích màu hoa đẹp, dễ chăm sóc. Cây mọc rất khỏe, sau 8 tháng đã trổ bông, mỗi thân ra 3 vòi, thu hoạch liên tục. Hàng tuần, chỉ tốn công xịt phân lên thân cây, tưới nước, để ý phát hiện các loại bệnh nhẹ… Còn lại, chỉ việc cắt hoa, từ 8.000 đồng/cành là đã có lời, thu về 12-13 triệu đồng/tháng. Hiện nay, lượng hoa thu hoạch không đủ để giao, tôi đang mở thêm vườn 5.000m2 để tăng số lượng”.

Nghe anh kể “ngon ơ”, nhưng 7 năm qua là hành trình tích lũy dần, tích cực học hỏi kinh nghiệm không ít. Nếu tính chi phí, 1.000m2 đầu tư 4.000 cây cần khoảng 400 triệu đồng. Nhờ phát triển “chậm mà chắc”, thu nhập từ hoa bù đắp cho các đợt đầu tư mới liên tục nên anh không nặng về vốn.

Trong số các loại màu của Mokara, màu vàng được khách hàng ưa chuộng nhất và cũng có hiệu quả cao vượt trội. Thân cây lan được cố định vào trụ nhựa, khi đủ cao chỉ việc cắt cây con cắm vào giá thể để nhân giống mới, cho năng suất tương tự và trổ hoa sớm hơn. Mỗi loại màu, lan Mokara đòi hỏi độ ẩm khác nhau, chẳng hạn màu vàng cần độ ẩm cao, hoa nở bền, trong khi màu đỏ cần giảm độ ẩm mới sinh trưởng khỏe.

Là người ưa trồng theo phương pháp hữu cơ, anh Dũng chủ yếu để ý quá trình cây phát triển để nương theo chăm sóc, ít lạm dụng thuốc dưỡng. Nhất là với cây con mới trồng, chỉ cần bao phủ 2 lớp lưới bên trên để che nắng, sau 5 tháng cây xanh tốt từ lá đến ngọn, rễ bám chắc vỏ đậu mà không lo bị cháy lá.

Bên cạnh 2 vườn lan Mokara, anh Dũng còn chuẩn bị hơn 200 cây lan ngọc điểm để bán dịp Tết, chủ yếu là giống Thái và lan rừng. Anh cho biết, giá lan ngọc điểm từ 300.000 - 600.000 đồng/cây, đủ màu tím trắng, hồng cánh sen, trắng, đặc biệt thơm và lâu tàn. Thời điểm này, một số cây ngọc điểm đã trổ nụ nhỏ, sẵn sàng nghinh xuân đúng như tên gọi. Ngoài ra, anh Dũng đang đầu tư 5.000m2 trồng thêm lan lá kim, ưu điểm dễ trồng, cho hoa sai, hương thơm hấp dẫn, được khách đặt hàng mua cây hoặc cành hoa.

Đổi đời với hoa, kiểng

Vườn cây Hai Bính của ông Lê Văn Thích (ngụ xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên) diện tích 6.000m2, đang có hơn 100 loại hoa kiểng, cây giống. Tròn 17 năm gắn bó với nghề, ông Thích nhận định trồng hoa không khó, cho thu nhập khá, đời sống ổn định. Tuy không có đất sản xuất, dựa vào nghề này, ông thuê đất dài hạn vẫn có thể đảm bảo kinh tế gia đình. Từ một người buôn bán cây giống nhỏ lẻ và bôn ba nhiều nơi, nhờ học hỏi kỹ thuật, biết cách nhân giống đa dạng cây trồng, giờ đây ông Thích có vườn hoa quy mô ở miền núi, được khách hàng ưa chuộng.

“Hoa ở đây phần lớn bán cho người dân làm cảnh trong nhà, bởi vậy giá thành rẻ. Cao nhất chỉ vài trăm ngàn đồng/chậu. Nhờ nhu cầu người mua nhiều mà vườn có đầu ra liên tục và mạnh. Cố gắng chăm chút chất lượng, tạo uy tín, nhiều năm nay vườn của tôi còn bán ra ngoài tỉnh” - ông Thích cho hay.

Tại đây, đủ các loại hoa bình dân quen thuộc, cho đến giống hoa mới và đắt tiền được ông mua từ các nhà vườn uy tín ở TP. Đồng Tháp, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), như: Huyết môn, trà mi, cherry, cẩm tú cầu, như ý, vạn lộc… Sau thời gian chăm sóc, nắm đặc điểm của cây, ông tự nhân giống để có thể trồng đại trà tại chỗ.

Đây cũng là cách để thuần giống hoa mới thích nghi với khí hậu bản địa, đảm bảo uy tín cây trồng khi đến tay người mua. Phong trào chơi hoa kiểng được phân cấp nhiều thành phần, từ bình dân đến cao cấp, tùy lúc lại “ngả” theo xu hướng một số cây nhất định. Biết được quy luật này, loại đang bán chậm hay hút hàng đều được ông nhân giống sẵn số lượng vừa phải, đảm bảo nhu cầu “9 người, 10 ý” của khách hàng. Động lực để ông đeo bám nghề này, vì nguồn thu nhập khá lý tưởng, chưa kể thú vui bầu bạn với hoa đẹp, cây xanh khiến tâm hồn thêm nhẹ nhõm.

Dịp Tết này, vườn chuẩn bị nhiều giống hoa đặc trưng, như: Phong lan, hoa giấy, vạn thọ, mào gà, cát tường, cúc đồng tiền, mai vàng, hồng ngọc viễn đông… Trải qua nhiều năm gắn bó, ông Thích rút ra nhiều kinh nghiệm, bài học trong kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa. Đặc biệt, chăm hoa nở đúng vào các ngày lễ, Tết là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người trồng phải tính toán cẩn thận, gần như phải “ăn, ngủ cùng cây”…

MỸ HẠNH