Sử dụng phương tiện thay thế con người trong khu vực cách ly

31/03/2020 - 06:21

 - Quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, những người làm ngành y, bộ phận phục vụ trong khu cách ly sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao hơn cộng đồng. Một giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu nguy cơ này: sử dụng phương tiện thay thế con người. Đó là ý tưởng của Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc, An Giang) vừa được thực hiện thành công.

Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, 1 chiếc khẩu trang, 1 bộ quần áo bảo hộ đều trở nên “quý hơn vàng”. Giá tiền của các vật dụng này bị đẩy lên cao, thậm chí “có tiền cũng mua không được”.

Trong khi đó, “cuộc chiến” còn kéo dài, chưa thể biết chính xác thời điểm kết thúc, mọi trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch bệnh cần phải được sử dụng tiết kiệm, dự phòng cho các tình huống tiếp theo. Tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang, đơn vị đã tiếp nhận 4 trường hợp cách ly y tế. Mỗi ngày, nhân viên y tế phải sử dụng ít nhất 3-5 bộ trang phục bảo hộ để đem cơm, nhu yếu phẩm cho người được cách ly. Đó là chưa kể các lần vào thăm khám, điều trị đột xuất.

Tuần đầu tiên cách ly, bệnh viện đã phải tốn gần 100 bộ quần áo bảo hộ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng... trong khu cách ly. Mỗi bộ có giá 150.000- 200.000 đồng, chỉ có thể sử dụng 1 lần, khi cần mua thêm không phải dễ. Về lâu dài, giả sử đến lúc tiếp nhận người được cách ly nhiều hơn, hoặc có bệnh nhân dương tính, chắc chắn sẽ không đủ cơ số trang phục phòng dịch cho các bộ phận làm nhiệm vụ.

Xe vận chuyển đồ cho người được cách ly

TS.BS Trần Phước Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang chia sẻ: “Điều quan trọng nhất không phải là chi phí, mà chúng tôi đặt sự an toàn của các y, bác sĩ khi làm nhiệm vụ lên trên hết. Kể cả có quần áo bảo hộ, càng ít tiếp xúc với các trường hợp cách ly, khả năng lây nhiễm càng được giảm thiểu. Chính vì thế, tôi đề nghị Phòng Vật tư trang thiết bị y tế nghiên cứu, chế tạo một phương tiện điều khiển từ xa, sử dụng trong khu cách ly để vận chuyển, cung cấp thức ăn, đồ dùng cho người được cách ly”.

Thực hiện chỉ đạo của ban giám đốc Bệnh viện, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 17-3 đến 20-3), lãnh đạo phòng và các nhân viên tập trung tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện chiếc xe “cung cấp thực phẩm điều khiển từ xa trong khu vực cách ly”.

Đầu tiên, họ mua chiếc xe điều khiển từ xa của trẻ em, 2 tủ nhựa nhiều ngăn, hệ thống camera, wifi, bình ắc-quy và bộ biến điện, tổng kinh phí khoảng 10 triệu đồng. Các vật dụng này được lắp ráp cố định trên chiếc xe. Y, bác sĩ điều khiển xe trong khu vực cách ly bằng remote, giao tiếp với người được cách ly thông qua màn hình của máy tính bảng.

Trên xe có gắn loa, đèn phát tín hiệu, giúp người ở trong phòng nhận biết thời điểm xe đến. Mọi trao đổi giữa đôi bên được thực hiện rất dễ dàng, thuận tiện. Sau khi người được cách ly mở tủ lấy thức ăn, vật dụng xong, chiếc xe được điều khiển quay trở lại cửa. Y, bác sĩ chỉ cần vệ sinh xung quanh tủ đồ, nơi đã bị chạm tay vào.

Từ tối 20-3, chiếc xe được đưa vào sử dụng chính thức. Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang trở thành cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh sử dụng phương tiện này, thay thế cho con người và đạt mục tiêu yêu cầu. Theo Phòng Vật tư trang thiết bị y tế, sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục cải tiến, giảm chi phí lắp ráp xe ở mức giá thấp nhất, theo dõi và hoàn thiện các tính năng còn lại của xe. Chiếc xe này có thể tiến tới áp dụng ở những khu cách ly tập trung, chứ không riêng gì cơ sở y tế. Bệnh viện sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật, cách thực hiện cho các địa phương, đơn vị có nhu cầu.

“Thừa thắng xông lên”, TS.BS Trần Phước Hồng tiếp tục “đặt hàng” để có thêm 2 loại xe khác. Đó là xe phun khử trùng và xe thu gom rác, dọn vệ sinh. Xe phun khử trùng sẽ giúp con người hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc với hóa chất, với người nghi nhiễm; có thể phun xịt trên diện rộng, trong thang máy một cách hiệu quả. Xe thu gom rác và dọn vệ sinh cũng thế. Rác thải trong khu cách ly được vận chuyển ra bên ngoài thông qua chiếc xe, đưa đi xử lý theo quy định, không để phát tán mầm bệnh. Khả năng chế tạo thành công các loại xe này rất cao, kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH