Tấm lòng người dân Đồng Tháp với Bác Tôn

20/08/2023 - 08:55

Những ngày tháng 8, chúng tôi có dịp về ấp An Thuận, xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), nơi có nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Không rộng lớn như Khu Lưu niệm Bác Tôn ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhưng nơi đây chất chứa nghĩa tình người dân địa phương đối với Bác Tôn.

Ngày xưa, Mỹ An Hưng là một làng nhỏ, nằm bên bờ sông Tiền, có con rạch mang tên Đất Sét chảy qua, nhưng năm 1945 lại 3 lần vinh dự tiếp đón Bác Tôn về thăm và làm việc tại đây.

Thời điểm ấy, Bác Tôn là Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Quân sự Nam Bộ. Đầu tháng 10, Bác Tôn và Ủy ban Hành chính Nam Bộ họp bàn việc chống Pháp tái chiếm Nam Bộ.

Cuối tháng 10, Bác Tôn và đồng chí Lê Duẩn họp thuyết phục những người lãnh đạo Đệ tam Sư đoàn. Cuối năm, trong chuyến công tác miền Tây, Bác ghé thăm Chi bộ và Nhân dân Mỹ An Hưng.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ và chính quyền huyện Thạnh Hưng xây dựng bia lưu niệm tại trước sân nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh (trụ sở Chi bộ xã Mỹ An Hưng, nơi Bác Tôn ghé làm việc). Bia có hình dáng một đóa hoa sen búp cách điệu theo đường nét thẳng. Phía trên có gắn một ngôi sao sơn màu vàng bằng xi-măng.

Nhận thấy tấm bia chưa thể hiện hết tình nghĩa của Nhân dân địa phương đối với công lao to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp, Huyện ủy, UBND huyện Lấp Vò, Đảng bộ và Nhân dân xã Mỹ An Hưng B xây dựng công trình tưởng niệm Bác Tôn trong không gian trang trọng hơn, đủ sức đón hàng trăm lượt khách vào tham quan một lúc.

Công trình Nhà Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện tại được xây dựng trên khuôn viên 5.400m2, nằm trên Đường Tỉnh 848, nối TP. Cao Lãnh và TP. Long Xuyên, từ xã Mỹ An Hưng B đi về xã  Mỹ Hòa Hưng rất thuận tiện.

Ông Bùi Văn Việt (cán bộ lão thành) cho biết: “Nơi đến thăm và làm việc ngày xưa của Bác Tôn cách nhà lưu niệm này không xa lắm. Đó là căn nhà lá đơn sơ, sát rạch Đất Sét. Thời gian phôi pha, nơi cũ không còn dấu tích”.

Mỗi dịp lễ lớn, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác Tôn, ông và người dân đến nhà lưu niệm thắp nén nhang tưởng nhớ bậc vĩ nhân. Biết được nhà lưu niệm được tôn tạo lại, ông rất vui mừng.

Trong khuôn viên rộng lớn của nhà lưu niệm, ông Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1967) là người duy nhất đảm nhiệm việc thờ cúng, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây kiểng.

Ông Nhân kể, quê ông ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), lập gia đình rồi về đây sinh sống năm 2000. Nhờ có tay nghề chăm sóc hoa kiểng, nên từ khi khánh thành nhà lưu niệm (3/2/2007), ông được nhận vào làm việc đến giờ.

Đây là công việc ông rất tự hào, bởi thường xuyên chăm sóc công trình ý nghĩa, đón tiếp lãnh đạo các cấp, người dân đến thắp nhang tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Ngày 2 buổi, ông Nhân đều đến Nhà lưu niệm để chăm sóc, quét tước, dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khu vực; thắp nhang cho Bác Tôn. Nhờ vậy, nơi đây luôn sạch sẽ, khang trang, hạn chế tình trạng xuống cấp.

Điểm nhấn của Nhà lưu niệm là tượng Bác Tôn bằng đồng (nặng 1,5 tấn), do nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện. “Tôi được biết Bác Tôn qua tranh ảnh, qua truyền hình. Được chăm sóc Nhà lưu niệm của Bác là niềm tự hào đối với tôi. Tôi kính trọng, xem Bác như người ông, người cha của mình. Còn làm được ngày nào, tôi sẽ vẫn gắn bó với Nhà lưu niệm ngày ấy” – ông Nhân bày tỏ.

VẠN LỘC