Tân Châu đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp

22/11/2022 - 06:16

 - Nhờ đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp mà TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) có được một nền nông nghiệp phát triển như hôm nay. Từ sản xuất lo cho cái ăn hàng ngày, chuyển sang sản xuất để xuất khẩu, nhờ đó mà đời sống những người làm nông không ngừng được nâng lên, xã hội ngày càng phát triển.

Sản xuất để bán

47 năm sau ngày đất nước giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân Tân Châu đã đồng tâm, hiệp lực cùng với nhà nước làm cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Mở đầu là phong trào đào các con kênh tạo nguồn (cấp 1, 2), dẫn thủy nhập điền, đưa nước ngọt vào đồng ruộng để tháo chua, rửa phèn. Đầu năm 1977, UBND huyện Phú Châu ra lời kêu gọi nhân dân cùng nhà nước đào kênh, khoai hoang vùng đất ở 5 xã phía bắc, gồm: Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, Phú Lộc, Tân Thạnh.

Chỉ trong 100 ngày đêm, nhân dân đã đào xong con kênh có chiều ngang 8m, dài 23km. Khi đưa vào vận hành, kênh 5 xã lập tức phát huy tác dụng. Cụ thể, chuyển đất trồng lúa 2 vụ từ 2.000ha/năm (1976) lên 14.567ha (vụ đông xuân 1977-1978). Và từ đó đến nay, diện tích lúa 2 vụ không ngừng tăng lên, có những vùng đất đã sản xuất 3 vụ/năm, đưa diện tích gieo trồng hàng năm lên 31.000ha. Đời sống người làm nông ngày càng cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Nói về tính hiệu quả của dòng kênh, ông Trần Văn Trận (năm nay đã 72 tuổi, một lão nông tri điền) phân tích: “Con kênh này có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ làm nhiệm vụ dẫn thủy nhập điền, phục vụ sản xuất cho những vùng đất mà nó đi qua, con kênh còn làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bờ cõi của Tổ quốc. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhờ con kênh này mà bộ đội di chuyển, đánh thắng Pôn Pốt xâm lược, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”.

Đổi mới tư duy trong sản xuất để phát triển, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất lớn, có liên kết tiêu thụ. Từ làm ăn cá thể sang làm ăn tập thể để thực hiện cho được phương thức “mua chung, bán chung”. Từ độc canh cây lúa, sang trồng nếp, rau màu, cây ăn trái. Từ nuôi độc nhất con heo, chuyển sang đa dạng hóa vật nuôi, như: Gà, vịt, trâu bò… Ngày nay, nông dân sản xuất lúa để bán chứ không phải để sử dụng trong gia đình, vì vậy chất lượng sản phẩm luôn được chú trọng.

“Trình độ sản xuất của nông dân có được như ngày hôm nay là nhờ tỉnh sớm cho ra đời chương trình khuyến nông. Nhờ chương trình này mà nông dân biết cách trồng lúa, nuôi gà, trồng nấm rơm, dưa leo, đậu phộng. Nhờ luân canh, tăng vụ mà người nông dân có việc làm quanh năm, đời sống khá lên” - bà Nguyễn Thị Lài (nông dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Hạ tầng đồng bộ

Giai đoạn 2008-2020, thị xã đã thực hiện 106 công trình hạ tầng phục vụ nông nghiệp: Nạo vét kênh mương, sửa chữa, nâng cấp cống, gia cố đê bao. Tổng kinh phí thực hiện 68 tỷ 661 triệu đồng. Đến nay, hệ thống thủy lợi được hình thành theo quy hoạch, đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp.

Cụ thể, hệ thống kênh phục vụ tưới tiêu đã nạo vét 48 kênh, tổng chiều dài 108km. Hệ thống đê bao gia cố được tổng chiều dài 11km, luôn được tôn cao và gia cố những đoạn đê xung yếu để đảm bảo sản xuất. Đi cùng với đó là hệ thống trạm bơm điện với 110 trạm bơm, đáp ứng được sản xuất khi thời tiết diễn biến bất thường. 

Nhờ đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp, chất lượng và sản lượng nông sản ngày một nâng lên. Từ sản xuất để ăn sang sản xuất để bán, xuất khẩu. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ngày một nâng lên, năm 2021, đạt 86 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm (tăng trên 100 triệu đồng so với năm 2007).

Ở các vùng bờ bao trên cánh đồng 3 vụ, ngành nông nghiệp đã quy hoạch xã lũ theo chu kỳ “3 năm, 8 vụ”. Nhờ đó, phù sa tiếp tục được bồi đắp cho đồng ruộng, năng suất cây trồng không ngừng được nâng lên. Diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thị xã vận động nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái.

Đến nay, đã chuyển đổi được 1.045ha đất, tăng 548ha so với năm 2012. Đổi mới tư duy trong sản xuất, Tân Châu đã chuyển sang sản xuất thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”, từ kinh tế hộ đóng vai trò chủ thể sang kinh tế hợp tác, kinh tế số, nhờ đó mà nông sản làm ra được tiêu thụ nhanh và thuận lợi. Tư liệu sản xuất từ thô sơ sang sử dụng máy móc để thay thế cho sức người… Tất cả điều đó đã làm cho đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

“Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, TX. Tân Châu đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, các xã nằm trong lộ trình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong thực hiện chính sách tam nông, thị xã đang hướng đến phương châm nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ thông tin.

 

MINH HIỂN