Tân Châu thiếu nước phục vụ sản xuất

19/04/2024 - 06:02

 - TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) là địa phương đầu nguồn, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu. Những năm trước, nước từ 2 con sông này đáp ứng đầy đủ nước tưới cho diện tích sản xuất của ĐBSCL nói chung, TX. Tân Châu nói riêng. Tuy nhiên, trong mùa hạn, kiệt hiện nay, mực nước trên sông thấp hơn trung bình nhiều năm, làm cho các dòng kênh cấp 2, cấp 3 bị trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích sản xuất của thị xã.

Dòng kênh trơ đáy

Tác hại của tình trạng hạn, kiệt hiện nay đã làm cho nguồn nước thiếu hụt dẫn đến diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng cây trồng giảm mạnh. Hạn, kiệt gây áp lực lớn lên hệ thống thủy lợi tạo nguồn, thủy lợi nội đồng. Do thiếu nước, các kênh cấp 2, cấp 3 (làm nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất) bị hạn chế rất nhiều. Thiếu nước, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống của người dân trên các dòng kênh cũng bị ảnh hưởng theo. Đặc biệt, nông dân trồng lúa, hoa màu, ngư dân nuôi cá bè, cá hầm bị thiệt hại rất lớn.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã kết hợp với lãnh đạo UBND xã Phú Vĩnh tổ chức thăm đồng, tuyên truyền cho nông dân nâng cao nhận thức trong hạn, kiệt

“Dòng kênh trơ đáy, nước không đủ bơm lên ruộng để gieo sạ. Thời gian con nước lớn chỉ khoảng 4 - 5 giờ trong khi diện tích cần bơm của hợp tác xã lên đến hàng trăm héc-ta, chúng tôi phải tập trung nhiều máy bơm để đáp ứng nước cho nông dân. Từ đó, làm gia tăng chi phí bơm tưới, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận trong vụ sản xuất này…” - ông Nguyễn Châu Tuấn (thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp An Hưng, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Toàn TX. Tân Châu có 8 vùng bờ bao phục vụ sản xuất trên diện tích đất canh tác 26.991ha/năm (3 vụ), trong đó bờ bao khu vực Nam và Bắc kênh Vĩnh An có diện tích 5.100ha (khu bờ Nam 3.300ha, khu bờ Bắc 1.800ha). Hai khu bờ bao này được bao bọc bởi các xã Long An, Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong, trong đó diện tích của xã Phú Vĩnh là 1.200 ha.

Những ngày qua, nông dân nơi đây mỏi mắt trông chờ con nước lớn để bơm nước vào ruộng gieo sạ vụ hè thu. Tình trạng hạn, kiệt hiện nay làm cho 4 tiểu vùng bờ bao của thị xã bị thiếu nước nghiêm trọng, trong đó bao gồm vùng Tam Giác, vùng Nam, Bắc kênh Vĩnh An…

Nông dân xã Phú Vĩnh canh lúc nước lớn để bơm vào ruộng

Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh cho biết, tình trạng hạn, kiệt xảy ra đã làm hầu hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các phường: Long Châu, Long Phú, Long Sơn và xã Phú Vĩnh, với diện tích trên 2.000ha.

 “Các dòng kênh cấp 2, cấp 3 ở một số nơi trơ đáy. Nguyên nhân là do biên độ triều thấp hơn so cùng kỳ năm 2023 từ 0,3 - 0,5m (tùy thời điểm), từ đó các dòng kênh cấp 2, cấp 3 không có nước vào. Đây là thời điểm xuống giống vụ hè thu, chúng tôi khuyến cáo nông dân thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để ứng phó với tình trạng hạn, kiệt. Trong đó, có giải pháp mở miệng cống để canh lúc thủy triều lên lấy nước vào. Sau đó, đóng bửng lại để giữ nước phục vụ bơm tưới” - ông Lê Trọng Oanh chia sẻ.

Biện pháp thích ứng

Vụ hè thu năm nay, toàn thị xã dự kiến xuống giống 11.270ha, trong đó lúa 10.011ha, màu 1.259ha. Với cây lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống thành 2 đợt (để né rầy), trong đó đợt 1 gieo sạ từ ngày 26/3 - 2/4, đợt 2 từ ngày 25/4 - 2/5. Hiện đã đến thời điểm xuống giống đợt 2, tuy nhiên diện tích xuống giống còn chậm so cùng kỳ.

 “Khó khăn hiện nay là thiếu nước để bơm sạ, tình trạng này làm gia tăng thêm chi phí. Trước đây, mỗi cữ bơm nước, mỗi công lúa chỉ bơm 1 lít dầu, nay phải tốn gấp đôi, thế nhưng không có nước để bơm tưới…” - ông Cao Tấn Lừng (Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

 Để thích ứng với tình trạng hạn, kiệt đang xảy ra, các địa phương trên địa bàn thị xã tổ chức đóng các cống, bửng giữ nước ngọt phục vụ bơm tưới, vận động nông dân canh nước lớn để lấy nước chứa. Tổ chức nạo vét các kênh tạo nguồn, như: Kênh Cùn, kênh Đầu Sấu, kênh 30/4, kênh Đòn Dông… Đồng thời, sửa chữa các cống trữ nước để đảm bảo sản xuất.

Phần lớn các dòng kênh đều khô đáy

Về biện pháp kỹ thuật, ngành chức năng địa phương khuyến cáo nông dân chọn giống lúa ngắn ngày để sản xuất, đồng thời áp dụng biện pháp tưới ướt, khô xen kẽ. Đối với cây ăn trái, hoa màu, khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, như: Tưới phun sương, nhỏ giọt (đối với hoa màu và cây ăn trái). Xây dựng và nâng cấp hệ thống thủy lợi để tăng khả năng trữ nước và chống hạn.

Khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, trồng các loại cây ít cần nước, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống hạn, kiệt. Đẩy mạnh việc nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Về lâu dài, tùy vào vùng sản xuất, chính quyền địa phương vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt, trong nuôi thủy sản, khuyến khích ngư dân theo dõi sát tình hình thời tiết để di dời các bè cá đến nơi an toàn (về nguồn nước).

Để tăng cường công tác phòng, chống hạn, kiệt, TX. Tân Châu tiếp tục cập nhật thông tin dự báo tình hình hạn, kiệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến rộng rãi trong hội viên nông dân, trên các nhóm Zalo, Facebook để người trồng trọt, chăn nuôi đo lường tình hình, hoạch định cho sản xuất… nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

MINH HIỂN