Tăng cạnh tranh cho hàng nông sản qua hợp tác chuyển giao công nghệ
30/07/2024 - 09:25
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường ngày càng cao về các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất với kỳ vọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.
AA
Mô hình trồng cây nha đam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Trên địa bàn Ninh Thuận hiện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như: Áp dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, tưới nước tiết kiệm, quy trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học. Hoạt động này được thực hiện gắn kết chặt chẽ với việc khai thác, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, đặc trưng của địa phương như: cây nho, táo, nha đam, măng tây xanh, chanh không hạt, dưa lưới, hoa lan hồ điệp, tôm giống, dê, cừu, các loại cá biển đặc sản, các loài nhuyễn thể...
Điển hình như: Cây nho, bên cạnh việc tuyển chọn các giống nho mới như nho ngón tay đen không hạt NH04-102, nho hồng NH01-152 và nho Mẫu đơn NH01-212,... Các đơn vị, Viện nghiên cứu đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật mới để áp dụng vào sản xuất như sử dụng cây gốc ghép, trồng cây trong nhà màng, sử dụng lưới chắn côn trùng, trồng nho leo giàn chữ Y, bao chùm quả, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh.
Là đơn vị áp dụng mô hình trồng nho công nghệ cao đầu tiên tại làng nho Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho hay, hợp tác xã đang triển khai trồng 5 sào (5.000m2) các giống nho mới trong nhà màng. Mô hình được Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao kỹ thuật sản xuất để giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm nho ăn tươi cung cấp cho thị trường.
Ông Nguyễn Khắc Phòng chia sẻ: “Nho là cây sợ mưa, trồng trong nhà màng thì tránh được bất lợi của thời tiết nên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Như các bạn thấy những chùm nho như này nếu trồng ngoài trời chắc chắn sẽ không đạt năng suất như vậy. Trồng nho trong nhà màng ít sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo được thời gian cách ly. Sản xuất nho đạt chiểu sạch, an toàn, hướng tới xuất khẩu đây là định hướng của tôi cũng như hợp tác xã Thái An”.
So với các giống nho truyền thống, các giống nho NH01-152, NH04-102 có những ưu điểm vượt trội về năng suất, hình dáng, màu sắc; quả to, ăn giòn, chắc thịt và ngọt thơm nên rất hút hàng. Theo tính toán, mô hình trồng giống nho mới này theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn hiện nay có thể thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ và từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình kỹ thuật "1 phải 5 giảm" trên 14.000 ha lúa; ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên 868 ha táo; tưới tiết kiệm nước trên 15.800 ha các loại cây trồng.
Diện tích nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh đạt trên 825 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha/năm; xây dựng 37 mã số vùng trồng với diện tích trên 321 ha và 70 liên kết chuỗi giá trị, trong đó có 5 chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ hiện đại. Qua đánh giá, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, cung cấp sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hợp tác chuyển giao công nghệ
Năm 2024, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai thực hiện 24 nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp hiệu quả một số loại sâu, bệnh hại chính trên cây măng tây xanh; điều tra, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng, yếu tố liên quan và đề xuất các mô hình, công nghệ nuôi biển phù hợp tại vùng quy hoạch nuôi biển của tỉnh.
Cùng đó, nghiên cứu xây dựng và triển khai chuỗi cung ứng măng tây và tỏi; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (invitro) nhân giống nha đam sạch bệnh và xây dựng mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái.
Bên cạnh đó, địa phương chú trọng phát triển các dự án nghiên cứu chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm như: nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến rượu hạt chuối từ chuối Cô đơn Phước Bình; nghiên cứu quy trình công nghệ và xây dựng mô hình bảo quản thịt dê và cừu tươi bằng phương pháp đóng gói với khí quyển điều chỉnh (MAP); xây dựng mô hình sản xuất giống nho kẹo NH01-26 phục vụ du lịch nông nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng thông tin, hiện nay, tỉnh đang tranh thủ tối đa các nguồn lực, tập trung triển khai các nhiệm vụ có tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, phối hợp tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; triển khai chương trình phối hợp hoạt động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Bộ Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2023 - 2025.
UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục khảo sát, làm việc với các đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học tăng cường hợp tác liên kết trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng mới, áp dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ nano, công nghệ thông tin, nông nghiệp số, tự động hóa, nhà kính, nhà lưới, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nuôi cấy mô, tưới tiết kiệm,... Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến nông sản.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuât, công nghệ vào sản xuất, địa phương đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là tạo các điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là trọng tâm, các hợp tác xã là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa “4 nhà: Nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học”.
Song song với đó, Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp; phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu OCOP liên quan đến sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương. Cùng với đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy quá trình đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: