Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

01/03/2022 - 06:37

 - Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của An Giang luôn được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước đi vào chiều sâu. Qua đó, nhận thức chung trong cộng đồng về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được nâng lên; ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng ngày càng cao. Người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về những quyền cơ bản được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; chủ động tìm hiểu nguồn thông tin sản phẩm, hàng hóa trước khi chọn mua.

Các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tập trung tổ chức trong tháng 3-2022

Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm. Hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật và hàng giả, hàng kém chất lượng trong mua sắm, đặc biệt mua sắm trực tuyến, qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...) trên Báo An Giang, hệ thống đài truyền thanh 11 huyện, thị xã, thành phố, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và sở, ban, ngành.

Đồng thời, tuyên truyền các phương thức tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng, như: Tiếp nhận qua đường dây nóng (02963.956.701 hoặc 1800.6838 - Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng toàn quốc); tiếp nhận trực tiếp tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh An Giang (số 10, Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên).

Năm 2021, tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động từng bước đi vào chiều sâu. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người tiêu dùng đối với các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Kết quả khảo sát cho thấy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động phát triển thương mại điện tử của tỉnh ổn định, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của DN và người dân. Kết quả khảo sát đã phản ánh đúng tình hình phát triển thương mại điện tử của tỉnh hiện nay, việc nâng cao sự hài lòng của người tiêu dùng đối với các hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động rất lớn đến thị trường, giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ổn định thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Kết quả, đã kiểm tra 1.033 vụ (giảm 26,8% so với cùng kỳ), vi phạm 372 vụ (chiếm 36%), xử lý 342 vụ; tổng thu ngân sách nhà nước hơn 2,6 tỷ đồng (giảm 41,5% so năm 2020); trị giá hàng hóa vi phạm hơn 7,12 tỷ đồng (tăng 39,3%); 3 vụ chuyển cơ quan tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, tiếp nhận 20 tin báo từ người tiêu dùng; trong đó xử lý 13 trường hợp, 5 trường hợp hướng dẫn liên hệ cơ quan chức năng chuyên môn. Các trường hợp vi phạm được xử lý theo quy định của pháp luật.

Công tác tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng được chú trọng. Tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động của Bộ phận Tư vấn và Giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng để kịp thời giải quyết các khiếu nại; tư vấn và hướng dẫn người tiêu dùng liên hệ tổng đài toàn quốc hỗ trợ người tiêu dùng (1800.6838). Năm 2021, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tiếp nhận 2 cuộc gọi điện thoại thắc mắc, khiếu nại có liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết phản ánh và đã được Văn phòng Hội hỗ trợ tư vấn, trao đổi kịp thời.

Tỉnh còn tích cực hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hỗ trợ 2 DN tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả. Đến nay, đã có 23 DN, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và 12 DN, hộ kinh doanh, cửa hàng tham gia vào mô hình truy xuất nguồn gốc thịt heo; đã thực hiện cấp 400 tem truy xuất nguồn gốc thịt heo và 5.850 tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả.

Sở Công thương An Giang cho biết, đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thuộc lĩnh vực ngành công thương năm 2022. Theo đó, với chủ đề: “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, thời gian tổ chức thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt năm 2022, trong đó tập trung vào tháng của ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam (15-3) và các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng, như: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tập trung tổ chức trong tháng 3-2022 (tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5-2022.            


HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích