Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình

17/04/2019 - 07:38

 - Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh vừa triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2019 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Từ đó, góp phần ngăn chặn và giảm số vụ BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển.

Huyện An Phú có 14/14 xã, thị trấn thành lập mô hình PCBLGĐ (58/58 nhóm, với 406 thành viên và 58/58 ấp xây dựng câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, với 1.160 thành viên), tiếp tục duy trì 18 địa chỉ tin cậy ở các địa phương. Huyện có trên 80% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình… Đồng thời, duy trì mô hình “PCBLGĐ”, mỗi năm triển khai ít nhất 1 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ trên địa bàn huyện.

An Giang triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện An Phú Lý Thị Tuyết Trinh thông tin, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện lối sống, cách ứng xử trong gia đình theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực của gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; chú trọng biểu dương những điển hình tốt, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các luật: Hôn nhân và gia đình, Bình đẳng giới, PCBLGĐ… và các phong trào như: xây dựng “Gia đình văn hóa”, xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Gia đình làm kinh tế giỏi”… Tích cực vận động cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động xây dựng gia đình, cộng đồng, khu dân cư.  

Gia đình phát triển chính là nền tảng phát triển của địa phương. Với vai trò, vị trí quan trọng của gia đình, tỉnh tập trung triển khai chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ nhằm phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu năm 2019, cụ thể: có trên 80% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ, trên 90% cán bộ làm công tác gia đình các cấp được tập huấn nâng cao năng lực PCBLGĐ, trên 70% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ về phòng ngừa BLGĐ, tư vấn pháp lý, chăm sóc y tế, bảo vệ sự an toàn. Phấn đấu đạt trên 90% số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi; trên 95% xã, phường, thị trấn nhân rộng mô hình PCBLGĐ; 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và PCBLGĐ…

Để thực hiện được mục tiêu này, theo Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh, trước hết là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, tổ chức, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PCBLGĐ. Lồng ghép mục tiêu về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Tăng cường công tác truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo An Giang, Đài Phát thanh- Truyền hình An Giang, phát sóng tin, bài trên hệ thống truyền thanh, các buổi nói chuyện tại cộng đồng dân cư…Các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở cần xác minh và quản lý tốt các đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ, như: người có hành vi BLGĐ, người nghiện rượu, nghiện ma túy, đánh bạc, người chuẩn bị kết hôn… qua đó, có biện pháp tuyên truyền, tư vấn thích hợp nhằm nâng cao nhận thức.

Tiếp tục duy trì hoạt động các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, các nhà tạm lánh, các cơ sở bảo trợ xã hội, thiết lập đường dây nóng tiếp cận thông tin về BLGĐ. Toàn tỉnh hiện có 525 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 470 nhóm PCBLGĐ, 333 địa chỉ tin cậy cộng đồng và tiếp tục nhân rộng. Song song đó, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân BLGĐ. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện chăm sóc y tế ban đầu cho nạn nhân BLGĐ; tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho nạn nhân BLGĐ, người có nguy cơ gây BLGĐ chưa có việc làm.

Một yếu tố quan trọng là tăng cường can thiệp, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ (năm 2018 tăng 29 vụ BLGĐ so năm 2017, với 57/28 vụ). Hầu hết do nhận thức kém, say xỉn dẫn đến mâu thuẫn, phát sinh hành vi bạo lực và phần lớn các trường hợp xảy ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Lực lượng công an đã kịp thời tiếp nhận và xử lý theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở với mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên để kịp thời nắm bắt thông tin về BLGĐ. Phối hợp xử lý, góp ý tại cộng đồng, áp dụng các biện pháp giáo dục và thí điểm xét xử lưu động các vụ án về BLGĐ tại địa bàn xảy ra vụ việc. Tăng cường khuyến khích gia đình, cộng đồng tham gia PCBLGĐ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH